Về buôn thưởng thức món dưa nước rẫy
Vào mùa mưa, ai đến các buôn làng của đồng bào Êđê, M’Nông hay J’rai cũng có cơ hội được thưởng thức những trái dưa nước rẫy mát lành. Đây là một trong những món ăn “giải khuây” được ưa chuộng đối với người dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung.
Gia đình ông Ama Tinh trú tại buôn Hô, xã Ea Drơng (Cư M’gar) là một trong số ít hộ còn giữ được giống dưa nước rẫy truyền thống trồng xen với lúa cạn. Dẫn chúng tôi đến tận rẫy lúa cách nhà hơn 5 cây số, vừa chỉ vào những trái dưa rẫy to bằng bắp chân Ama Tinh vừa hồ hởi chia sẻ: “Đấy anh chị thấy không, giờ ở Đắk Lắk mấy ai còn trồng dưa này với lúa cạn mà lại còn được mùa dưa ngon như vậy. Năm ngoái sau khi thu hoạch cà phê gia đình tôi đã nhổ đi 3 sào số cây già cỗi để trồng mới lại; trong thời gian chờ cây lớn tôi tận dụng phần đất trống để trỉa lúa và các hoa màu khác trong đó có dưa nước. Sau hơn 3 tháng thì dưa đã ra trái và được thu hoạch dần đều đặn 2 lần một tuần. Mỗi lần thu như vậy được cả bao”.
Thu hoạch dưa nước trong rẫy lúa. |
Thường dưa nước được chế biến thành món trộn là phổ biến nhất. Cách thực hiện cũng rất đơn giản: trước tiên dưa được rửa sạch, gọt bỏ phần vỏ hoặc cũng có thể không bỏ vỏ đối với dưa non; tiếp đó chẻ dọc quả dưa làm 4 hoặc 6 tùy kích cỡ rồi thái thành miếng bỏ vào trong cái tô lớn. Gia vị không thể thiếu khi làm món dưa trộn đó chính là lá nén (lá hành tăm) được giã với muối ớt và nêm bột ngọt. Cuối cùng là bỏ gia vị muối ớt đã được giã sẵn vào tô rồi trộn dưa đều cho thấm. Có thể nói lá nén thêm phần cay cay của ớt là gia vị chủ đạo kích thích vị giác khi thưởng thức món dưa trộn này. Ngoài ra ai thích có vị chua có thể vắt thêm vài miếng chanh. Đối với những quả dưa già đã chín vàng người ta lấy hết phần hạt rồi mới thái ra trộn.
“Loại dưa này chỉ phù hợp ở Tây Nguyên, nếu trồng ở vùng khác thì chất lượng không được như ở đây, dưa không giòn mà sẽ bị khô và sượng hoặc không có mùi vị. Thời ông bà ngày xưa sau những ngày khô hạn khi hạt mưa đầu tiên rơi xuống, bà con bắt đầu đi đốt rẫy làm đất đến khi có trận mưa thứ 2 họ bắt đầu trộn hạt thóc, hạt ngô, bầu bí, dưa chung lại với nhau rồi đựng trong ống tre chọc lỗ tra hạt. Thời tiết thuận lợi hạt nảy mầm rồi bò quanh lúa, cứ như thế không cần chăm bón sau một thời gian dưa sẽ cho thu hoạch.” - ông Ama Tinh cho biết thêm. Còn theo chị Amí Kun, xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) thì dưa nước không được trồng đại trà như các loại dưa thông thường khác mà chỉ trồng xen canh với cà phê hoặc rẫy lúa theo mùa vụ. Đặc biệt là dưa trồng hoàn toàn tự nhiên không dùng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật nên bán rất hút khách và đôi lúc không có hàng để bán. Giá cả trung bình từ 15.000 – 20.000 đồng/kg và cuối mùa có khi lên tới 30.000 – 40.000 đồng/kg đối với các loại dưa già mua để lấy hạt giống.
Djuang Niê
Ý kiến bạn đọc