Buôn Ma Thuột trong tâm tưởng mọi người
“Thị xã nhỏ như bàn tay em gái/ một thời vuốt tóc kiêu kỳ” - câu thơ của Phạm Nguyên Tường cũng là cảm nhận chung của nhiều người khi đến thăm đô thị Buôn Ma Thuột sau những năm 1975.
Cái thị xã nhỏ bé vùng sơn nguyên này thời đó thật buồn nên người ta gọi trệch ra từ Buôn Ma Thuột thành “Buồn muôn thuở”. Nói vậy thôi chứ từ khi được công nhận là đô thị loại III vào năm 1994, rồi loại II vào năm 2005 và đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh thì Buôn Ma Thuột đã khoác lên mình chiếc áo mới với gương mặt và hình hài khác xưa rất nhiều. Và cái tên “Buồn muôn thuở” ngày nào được nhiều người nhắc đến như một tình cảm đặc biệt dành cho thành phố đáng yêu này, nhất là đối với những ai có dịp đến đây rồi đi xa.
Anh bạn tôi - Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Hội VH-NT Thừa Thiên - Huế trở lại Buôn Ma Thuột trong dịp dự trại sáng tác do Liên hiệp các Hội VH-NT toàn quốc tổ chức tại đây vào cuối tháng 5-2018 nhận xét rằng, thành phố này thay đổi quá nhanh, nhất là những con đường trong nội thị, cũng như nhiều trục lộ kết nối trung tâm với các vùng vệ tinh lân cận: Phước An - huyện Krông Pắc, Quảng Phú - Cư M’gar, Kim Châu - Cư Kuin và thị xã Buôn Hồ ngày nay, tất đã tạo nên diện mạo thật vạm vỡ, mạnh mẽ cho đô thị đóng vai trò trung tâm vùng Tây Nguyên này phát triển. Nhớ lại thời sinh viên, lang thang cùng Buôn Ma Thuột vào những năm 80 của thế kỷ trước, bạn đọc cho tôi nghe mấy câu thơ đã neo vào ký ức về thành phố này như sau: “Đường lầy lội và chia về các ngả/ làm tâm tư tôi cũng hốt hoảng giống thế”. Còn bây giờ, Hồ Đăng Thanh Ngọc bảo đô thị này đã khác trước, luôn đem lại cho mọi người cảm nhận về sự đổi thay đẹp đẽ và lớn lao từng ngày.
Diện mạo đô thị Buôn Ma Thuột hôm nay. |
Đúng vậy, tôi đã cung cấp thêm cho bạn một số thông tin để thấy rõ hơn sự đổi thay ấy: Đến nay, chính quyền và người dân Buôn Ma Thuột đã đẩy nhanh tỷ lệ đô thị hóa lên mức 65%. Tức là trên tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố hơn 377 km2, đã có gần 200 km2 được đô thị hóa (mức trung bình của khu vực Tây Nguyên là 58%). Tốc độ đó được thể hiện cụ thể, sinh động trên một số tiêu chí như 98% tuyến giao thông nội - ngoại thành được nhựa hóa và chiếu sáng, tỷ lệ cây xanh đạt hơn 8m2/người và khoảng 80% hộ dân được sử dụng nước sạch. Đặc biệt là công tác chỉnh trang đô thị ngày càng được quan tâm đẩy mạnh bằng việc quản lý, quy hoạch tại các khu đô thị hiện hữu, cũng như 4 khu đô thị mới thuộc các phường Tân An, Tân Lợi, Tự An và xã Ea Tu với tổng diện tích 3.850 ha.
Còn nhà báo Minh Tự ở Huế thì có kỷ niệm gần gũi, thân thiết hơn với Buôn Ma Thuột. Gặp nhau lần nào bạn cũng hỏi: Tiếng còi Nhà đèn Buôn Ma Thuột có còn không? Vì đó được coi là âm thanh, hình ảnh đại diện cho nền văn minh công nghiệp đầu tiên có mặt ở vùng đất này. Gần đây, tôi thông tin với bạn rằng, tiếng còi tầm ấy vẫn còn, đều đặn bốn lượt (sáng -trưa - chiếu - tối) gióng lên mỗi ngày, có điều cái Nhà đèn được xây bằng đá theo kiểu kiến trúc của Pháp ngày xưa không còn, thay vào đó Điện lực Đắk Lắk đã dựng lên trụ sở bề thế, khang trang hơn. Điều đó cũng là phù hợp để phục vụ mục tiêu phát triển, tạo nên cái mới mẻ và tiện ích hơn. Song cho dù thay đổi thế nào thì tiếng còi tầm kia vẫn luôn lắng lại trong tâm tưởng mọi người, trong đó có bạn và tôi khi nghĩ về Buôn Ma Thuột.
Với đô thị này, hẳn còn nhiều người thương nhớ - là buôn trong phố, là cà phê đặc sản Buôn Ma Thuột. Ở đây, con phố nào cũng có quán cà phê mở ra, đặc biệt là những “quán cóc” vỉa hè. Những “quán cóc” ấy với vài bộ bàn ghế cơ động, sơ sài nhưng hương vị và dư âm để lại thì không dễ gì phôi phai. Uống cà phê vỉa hè cũng thú chẳng kém gì dạo phố - mỗi sáng đến với cà phê vỉa hè trên mọi con đường có bóng cây muồng hoa vàng, cây bằng lăng hoa tím… mới thấy Buôn Ma Thuột đáng yêu biết dường nào.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc