Dẻo thơm bánh tẻ răng bừa
Nếu có dịp đi qua huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), du khách dừng chân bên quốc lộ sẽ thấy nhiều cửa hàng bán bánh tẻ.
Trong quán, chủ nhà nghiền bột, khuấy bột, gói bánh, hấp bánh và bán cho khách qua đường. Hỏi ra mới biết, bánh tẻ vùng này nổi tiếng thơm ngon và được thị trường gần xa ưa chuộng.
Gọi là bánh tẻ răng bừa là bởi bánh được làm bằng gạo tẻ, loại gạo ngon được cấy ở chính vùng đất Văn Giang. Bánh hình thon nhỏ, dài tựa như chiếc răng bừa của người nông dân. Theo các bậc cao niên địa phương, từ xa xưa, trong các làng của huyện Văn Giang, các nhà đều gói bánh tẻ để ăn vào các ngày lễ tết, vì bánh ngon nên tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến học cách chế biến, mua bánh về ăn. Từ đó, nghề làm bánh tẻ được người dân gìn giữ, phát triển cho đến tận ngày nay.
Gói bánh tẻ trở thành một nghề truyền thống ở Văn Giang (Hưng Yên). |
Để làm được những mẻ bánh tẻ ngon, đúng công thức gia truyền, người chế biến phải chuẩn bị các nguyên liệu như lá dong, gạo tẻ trắng ngần, dẻo thơm, thịt lợn ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu, hành củ, lạt tre. Khâu lựa chọn gạo rất quan trọng bởi nó sẽ quyết định độ dẻo dai của bánh. Đó phải là loại gạo trắng tròn, dẻo và có vị thơm được cấy ở đất Văn Giang. Gạo được ngâm rồi nghiền với nước vôi trong và cho vào khuấy lên cho chín. Thịt ba chỉ băm nhỏ cùng với mộc nhĩ, hạt tiêu, hành củ, một chút nước mắm xào thơm để làm nhân. Khi bột chín tới, vừa dẻo, vừa sánh, người chế biến dùng thìa múc bột rải vào từng chiếc lá dong nhỏ, tạo một rãnh ở giữa để cho nhân sau đó thêm một lớp bột phía trên rồi cuộn lá dong, dùng lạt tre cuốn tròn theo bề mặt của thân bánh. Bánh có hình dài, khum khum tựa chiếc răng bừa.
Bánh tẻ răng bừa. |
Sau khi gói xong, bánh được cho lên đồ chừng 20 - 25 phút là chín đều, khi đó có thể bóc bánh để thưởng thức. Bánh tẻ răng bừa khi bóc ra có màu xanh của lá dong ở bên ngoài, màu trắng mịn của gạo khá hấp dẫn. Bánh thưởng thức khi còn nóng và nguội đều thơm ngon. Khi ăn, bánh tẻ răng bừa Văn Giang có vị thơm của gạo hòa vào vị thơm của lá dong và nhân bánh; có vị béo ngậy, giòn dai của nhân bánh. Bánh tẻ ăn không ngán như bánh nếp, có thể ăn vào bất kỳ lúc nào trong ngày, có thể ăn thay cơm và để đến hôm sau vẫn không bị hỏng.
Bánh tẻ răng bừa ở vùng đất Văn Giang là sản phẩm của nghề trồng lúa nước, thể hiện sự khéo léo của bàn tay và tấm lòng thơm thảo của người nông dân nơi này.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc