Multimedia Đọc Báo in

Mùa lấy măng rừng

08:54, 05/09/2020

Hằng năm, từ tháng 8 đến tháng 12, bà con các thôn, buôn ở huyện Ea Súp lại tranh thủ đi dọc bìa rừng, bờ rẫy để lấy măng rừng nhằm kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Chị Đỗ Thị Hiền (thị trấn Ea Súp), người có nhiều năm đi lấy măng rừng kể: “Hằng năm, cứ đến mùa này, nhiều gia đình trong thôn lại gói cơm, mang nước rủ nhau lên bìa rừng, rẫy hái măng. Mỗi ngày, tôi đi lấy măng từ sáng sớm đến 1 - 2 giờ chiều, kiếm được từ 30 – 40 kg măng tươi”. Măng rừng có rất nhiều loại: măng le, nứa, trúc… nhưng ngon nhất vẫn là măng trúc. Măng trúc nhỏ nhưng chắc thịt, có độ thơm. Trước đây, chị Hiền hay lấy măng le bán với giá 8.000 đồng/kg măng tươi. Năm nay chị lấy măng trúc, mỗi ký măng tươi bán được 15.000 - 17.000 đồng; mỗi ngày nếu chịu khó cũng kiếm được từ 500.000 – 600.000 đồng.

Chị Hiền bóc măng mang đi bán.
Chị Hiền bóc măng mang đi bán.

Đường đi lấy măng gập ghềnh, công việc tìm và hái măng còn khó nhọc hơn, phải quen và có bí quyết hái măng thì mới kiếm được những búp măng non và ngon. Bà Nông Thị Lan (xã Cư M’lan) chia sẻ: “Có người nghĩ rằng măng mọc sẵn trên đất, cứ việc bẻ lấy mang về. Nhưng thực tế công việc hái măng không hề đơn giản bởi phải chui vào bụi nứa nhiều gai góc, bị muỗi vắt, ong đốt. Khi bóc măng, lông măng đâm bám vào tay khiến bàn tay chai sần, nhựa măng làm cho tay chân tím bầm, đau rát. Lấy măng phải biết xoay vòng ở mỗi vùng rừng, rẫy. Hôm nay lấy vùng này thì mai lấy vùng khác và hôm kia phải đến vùng khác nữa rồi mấy ngày sau mới quay lại vùng ban đầu. Bởi vậy, người đi lấy vài ký măng về ăn thì không sao, bởi đơn giản chỉ lên rừng nhiều tre rồi chịu khó tìm và “xắn” mụt măng đủ ăn là được. Nhưng để lấy măng tươi từ 40 kg trở lên thì phải có “nghề””. Công việc vất vả nhưng với bà Lan và nhiều người dân, măng không chỉ là lương thực dự trữ trong mùa mưa lũ mà còn là sản phẩm mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Dù năm nay đã trên 50 tuổi nhưng mỗi ngày bà Lan cũng đi lấy được 35 - 40 kg măng rừng về bán.

Mặc dù mưu sinh từ nghề hái măng rừng lắm gian truân, nhọc nhằn nhưng người dân Ea Súp không bao giờ bỏ nghề, cứ đến mùa họ vẫn miệt mài, cần mẫn leo núi hái măng. Muốn mùa sau măng mọc nhiều thì khi đào măng, những người hái măng phải để lại ít nhiều cây non để măng mọc thành rừng. Có ngọn măng để bán, có nghĩa là thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống của gia đình. Những năm gần đây, vào mùa măng, các thương lái quanh vùng thu mua măng với số lượng lớn để chế biến cho thị trường Tết; nhờ thế, người hái măng đỡ vất vả khi đi bán lẻ.

Với nhiều người dân nơi đây, mỗi mùa mưa về thì bữa cơm ấm cúng của gia đình đều có món ăn chế biến từ măng. Măng chính là loại rau sạch và có thể chế biến thành rất nhiều món ngon. Thông dụng nhất, giữ được nguyên hương vị đặc trưng của măng rừng nhất trước hết phải kể đến món măng luộc chấm mắm nêm, nước mắm. Ngoài măng luộc, để đổi khẩu vị, từ măng có thể làm món măng xào, măng trộn; măng hầm vịt, gà, thịt heo… đều mang lại vị ngon, ngọt hấp dẫn. Không chỉ chế biến được các món ăn từ măng tươi trong mấy tháng mùa mưa, nhiều nhà còn tranh thủ làm món măng chua, măng khô... để dành ăn quanh năm.

Dạ Yến Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.