Multimedia Đọc Báo in

Xôi cá niên ăn sẽ ghiền

15:39, 12/09/2020

Huyện miền núi Tây Giang của tỉnh Quảng Nam có nhiều sông suối lớn chảy về xuôi với nhiều cá niên (còn gọi cá liêng) sinh sống. Cá niên thường xuất hiện vào mùa xuân và mùa hè, thích sống ở đoạn suối nước chảy xiết, nhất là đoạn có thác, ghềnh.

Cá niên nhỏ khoảng hai ngón tay, thân hơi lép, có màu trắng bạc. Cá niên được chế biến thành nhiều món; trong đó, món xôi cá niên là món ăn đặc biệt và thú vị “ăn sẽ ghiền”.

Đĩa xôi cá niên thơm lừng, ăn ngon  mê mẩn.
Đĩa xôi cá niên thơm lừng, ăn ngon mê mẩn.

 Để chế biến món ăn này, người ta mang gạo nếp vo sạch ngâm từ 6 – 8 giờ rồi vớt ra để ráo nước. Cá niên làm sạch, hấp chín với gừng rồi gỡ lấy thịt cá ướp với một chút nước mắm, gia vị, hạt tiêu xay nhỏ để 10 phút cho ngấm. Có thể cho thêm thìa nước nghệ để cá lên màu đẹp. Sau đó, phi hành với chút mỡ hoặc dầu ăn, đổ thịt cá đã ướp vào xào, đảo đến khi cá ráo tơi, không còn bết ướt rồi để vậy. Gạo nếp đã ráo, cho nhúm muối tinh vào trộn đều, cho vào xửng hấp chín tới. Xôi chín đem đổ ra rá hay mâm rồi dùng đũa đảo tơi cho xôi nguội và đỡ ướt bên dưới. Xôi nguội, cho lại vào xửng đồ lần hai. Khi nồi xôi sôi trở lại chừng 3 - 4 phút thì cho 2 - 3 thìa nước cốt dừa vào đảo, sau đó cho cá niên đã xào vào đảo đều, cho thêm thìa dầu ăn (mỡ gà hay mỡ lợn) đảo cho bóng xôi. Đồ thêm vài phút nữa cho xôi mềm dẻo là tắt bếp.

Múc xôi ra đĩa và rắc củ nén phi lên trên đĩa xôi. Món này có thể thưởng thức cùng bát canh cải nấu với phần xương, đầu cá. Món xôi cá niên có vị béo, ngọt của thịt cá, vị thơm, dẻo của xôi hòa quyện với mùi hương của hành lá, ngò đã níu hồn biết bao thực khách đến Tây Giang. Thật đúng với câu ca: “Mời anh ăn xôi cá niên / Anh ăn một đĩa anh ghiền xôi em…”.

Tiên Sa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.