Multimedia Đọc Báo in

Ý thức - một "vắc xin" để ngăn ngừa dịch bệnh

09:56, 06/12/2020

Dựa trên phân tích thống kê những từ có số lượt tra cứu rất cao, Merriam-Webster - một trong những từ điển trực tuyến hàng đầu của Mỹ đã chọn “Pandemic” (có nghĩa đại dịch) là “Từ của năm 2020”.

Theo Merriam-Webster, "đại dịch” được định nghĩa là sự bùng phát bệnh xảy ra trong một khu vực địa lý rộng lớn (như tại nhiều quốc gia hoặc lục địa) và thường ảnh hưởng đến tỷ lệ dân số đáng kể. "Đây là một năm không giống với bất kỳ năm nào khác và "đại dịch" là từ kết nối tình trạng khẩn cấp y tế trên toàn thế giới với phản ứng chính trị và với kinh nghiệm cá nhân của chúng ta về từ đó" - Merriam-Webster nhìn nhận.

Có lẽ chẳng cần chờ đến lựa chọn của Merriam-Webster, người ta cũng thấy đại dịch là mối quan tâm lớn nhất của nhân loại trong năm 2020. Chẳng ai có thể ngờ rằng từ ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, con vi rút nhỏ bé Sars-CoV-2 hoành hành và khiến các quốc gia trên toàn cầu chật vật đối phó suốt năm 2020. Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi kế hoạch của từng gia đình đến các quốc gia; tạo nên những thay đổi lớn trong cuộc sống của người dân; xây nên “bức tường ngăn cách” trong một thế giới đang ngày càng phẳng hơn…

 Thứ trưởng Bộ  Y tế chia sẻ. Ảnh: Gia Nguyên
Vụ phó Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng Bộ Y tế Vũ Mạnh Cường chia sẻ về công tác truyền thông phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Gia Nguyên

Đã bước vào tháng cuối cùng của năm 2020 song đại dịch Covid-19 chưa cho thấy dấu hiệu gì của sự dừng lại. Làn sóng lây nhiễm với số ca bệnh bùng phát mạnh mẽ vẫn đang diễn ra tại nhiều quốc gia từ châu Á sang châu Âu. Tốc độ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 đang được nhiều quốc gia đẩy nhanh chưa từng có. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, trong thời gian chờ đợi vắc xin (dù nhanh nhất thì thời gian cũng phải tính bằng năm), biện pháp hữu hiệu nhất ngăn bệnh dịch lây lan vẫn là: đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn, tránh tiếp xúc nơi đông người…

 Cảnh sát Giao thông Công an huyện K rông Búk hướng dẫn người dân tham gia giao thông đeo khẩu trang đúng cách để phòng dicj Covid-19. Ảnh: Xuân Chiến
Lực lượng tuần tra, kiểm soát Trạm Cảnh sát Giao thông Krông Búk hướng dẫn người dân tham gia giao thông đeo khẩu trang đúng cách để phòng dịch Covid-19. Ảnh: Xuân Chiến

Với những biện pháp tưởng chừng đơn giản này, cùng với khoanh vùng, truy vết, cách ly, Việt Nam là một trong số các quốc gia đã thành công trong việc kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng. Sự quyết liệt, hành động kịp thời của các cơ quan chức năng cùng sự đồng lòng của người dân, Việt Nam đã khống chế thành công đại dịch. Tuy nhiên, sau hai lần bùng phát dịch và khống chế thành công, duy trì gần 90 ngày không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thì vào cuối tháng 11 vừa qua, Việt Nam phát hiện thêm 2 ca nhiễm trong cộng đồng, từ đó đã có thêm một số trường hợp lây nhiễm từ 2 ca bệnh này. Nguyên nhân để lây lan bệnh đã được cơ quan chức năng xác định là có "lỗ hổng" trong công tác quản lý người cách ly; ý thức của người cách ly chưa cao. Việc xuất hiện thêm các ca nhiễm mới khiến nhiều người “giật mình” bởi có một thực tế rõ ràng là sau nhiều ngày không phát hiện ca bệnh trong cộng đồng, không ít người đã gần như “quên mất” Covid-19, lơ là các biện pháp phòng chống dịch.

Đại dịch vẫn còn đó, vẫn hoành hành trên thế giới và sẽ không mất đi chừng nào con người chưa tìm ra được vắc xin phòng bệnh. Ở Việt Nam cũng vậy, dù trong nước chúng ta khống chế tốt dịch bệnh nhưng nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài vào luôn hiện hữu. Thế nên, cảnh giác với đại dịch, luôn nâng cao ý thức phòng chống (thực hiện "5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế") cần phải luôn thường trực trong ý thức của mỗi công dân mới góp phần nhanh chóng đẩy lùi bệnh dịch, để “pandemic” không còn là từ khóa của năm 2021 và những năm tiếp theo.

Hồng Hà

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.