Multimedia Đọc Báo in

Bất cập từ những tua - bin phát điện ở Cuôr Knia

09:41, 02/11/2010

Nằm cách trung tâm huyện Buôn Đôn chưa đầy 10 cây số nhưng 7 thôn của xã Cuôr Knia vẫn phải chịu cảnh không có điện để sinh hoạt. Vì thế, người dân đã lợi dụng sức nước của các con suối để xây lắp tua - bin phát điện nhỏ phục vụ thắp sáng, nhưng việc làm này chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu và tiềm ẩn những mối lo….

Tua-bin phát điện được lắp san sát nhau.
Tua-bin phát điện được lắp san sát nhau.


Phập phù điện tua bin
Gia đình ông Hoàng Đình Thàm, thôn Sình Mây đang quây quần xem chương trình thời sự trên ti vi thì màn hình bắt đầu co lại, méo mó và màu sắc đỏ lòe. Tắt vội ti vi, ông phàn nàn: “Điện bắt đầu yếu đấy, nếu cứ để vậy chẳng mấy chốc ti vi sẽ hỏng”. Đó là tình trạng chung mà hơn 10 năm nay người dân nơi đây phải chịu cảnh “lúc mờ, lúc tỏ” của nguồn điện từ những tua-bin phát điện. Năm 2001, xã Cuôr Knia được tách ra từ 2 xã: Ea Bar và Tân Hòa. Hiện, 1/3 số thôn trong xã đã có điện lưới, còn 7 thôn thì vẫn chịu cảnh “mù mờ” vì không có điện. Hầu hết người dân nơi đây đều làm nông nghiệp, sau những buổi làm đồng mệt mỏi ai cũng muốn xem ti vi, radio để giải trí, học hỏi những phương thức khoa học - kỹ thuật trong nuôi, trồng…, song mong muốn đó của bà con vẫn còn nhiều gian truân. Trưởng thôn Lương Văn Lành bộc bạch: “Tôi thường có thói quen xem những chương trình thời sự địa phương để nắm bắt những đổi thay trên quê hương và học hỏi kinh nghiệm sản xuất của người dân nơi khác, nhưng do điện yếu nên đang xem dở dang lại phải tắt ti vi, nhiều khi rất bực bội”. Đó là tình hình trong mùa mưa, còn mùa nắng thì tệ hơn, mỗi gia đình chỉ thắp sáng được một bóng 15W đến 20W vào buổi tối, còn ti vi thì đành chịu. Mặc dù, mỗi gia đình, ai nấy cũng mua sắm ti vi nhưng đều nằm phủ bụi vì ít sử dụng. Hơn thế nữa, thiếu điện đã kéo theo nhiều mâu thuẫn giữa những gia đình, nhóm thanh niên. Đặc biệt là vào mùa khô, thường xảy ra tranh chấp nhỏ về nguồn nước. Ông Thàm cho hay, mỗi lần vào mùa World Cup là thường xảy ra xô xát nhỏ giữa những nhóm thanh niên vì anh này chạy ra đắp nước thì lại có anh khác ra phá. 

Ngay đến cả trụ sở UBND xã, được Nhà nước “ưu ái” mắc đường dây để phục vụ hoạt động, nhưng do một bộ phận những hộ dân sống xung quanh đấu nối vào đường dây của xã làm dòng điện vốn chập chờn lại càng yếu hơn. Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, vì điện chập chờn nên làm nhiều máy móc hư hỏng, gây gián đoạn, cản trở và giảm hiệu quả công việc. Tình trạng trên đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt trong đời sống xã hội của người dân nơi đây.

Trưởng thôn Lương Văn Lành bên những tua-bin phát điện.
Trưởng thôn Lương Văn Lành bên những tua-bin phát điện.


Và những mối lo...
Trước nhu cầu bức thiết về nguồn điện chiếu sáng, UBND xã đã để người dân tự xây, lắp các tua bin phát điện nhằm phục vụ phần nào sinh hoạt hằng ngày. Do 7 thôn chưa có điện nên toàn xã hiện có trên 100 tua-bin, mỗi năm tăng từ 2 đến 3 tua-bin mới. Đi dọc một đoạn thác dài hơn 10m đã đếm được hơn 20 tua-bin phát điện lắp san sát nhau. Ông Lương Văn Lành cho biết, mỗi tua-bin do 3, 4 hoặc 5 hộ gia đình góp tiền cùng xây lắp, tổng số tiền mua, lắp đặt một tua-bin khoảng 5.000.000 đồng, còn tiền mua dây điện nhiều hay ít tùy thuộc vào khoảng cách dài, ngắn từ máy phát điện đến nhà. Do lắp đặt liền kề, san sát nhau nên đường dây điện từ các máy phát chồng chéo lên nhau như một mớ bòng bong, những cây cột điện cũng chỉ được người dân làm tạm bợ bằng các thân cây nhỏ, không bảo đảm an toàn khi mưa, gió, gây nhiều nguy hiểm cho người dân mỗi khi đi làm rẫy. Những tua-bin này ít khi hỏng, vài ba tháng chỉ phải thay bạc đạn (từ 25.000 đồng trở lên) là máy chạy bình thường. Nếu bạc đạn hỏng vào lúc nước lớn cũng đành chịu vì không thể ra thay được. Để hạn chế tối thiểu những rủi ro không đáng có, trong các buổi họp dân chính quyền địa phương cũng thường xuyên nhắc nhở người dân phải hết sức thận trọng trong việc xây lắp và sử dụng tua-bin phát điện.

Hiệu quả trước mắt mà các máy phát điện mi ni mang lại là điều ai cũng nhận thấy, nhưng những mối nguy hiểm tiềm ẩn từ những máy phát điện này là điều người dân luôn lo lắng. Mong muốn sớm có điện lưới quốc gia được hạ thế an toàn, bảo đảm là điều mà chính quyền và người dân nơi đây luôn mong đợi.

 

Tô Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc