Multimedia Đọc Báo in

Về với vùng căn cứ lòng dân

06:31, 24/11/2010

Mặt trời đã chịu ló ra hiện diện sau bao ngày chìm trong mây đen, mưa lũ. Trời đất cũng như vui mừng và ủng hộ cuộc hành trình về nguồn của Đoàn lãnh đạo tỉnh cùng các đồng chí lão thành cách mạng, các sở, ban, ngành nhằm tri ân đồng bào vùng căn cứ có công với cách mạng, đặc biệt là những buôn làng đã từng gắn với lịch sử hình thành và phát triển Mặt trận tỉnh nhà, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam và 50 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải  phóng Miền Nam Việt Nam.

buôn làng
Bà con buôn Bir nồng nhiệt đón tiếp Đoàn 


 Ấm tình buôn xưa.
Nhà văn hoá cộng đồng buôn Bir (xã Ea Hiao, huyện Ea H’Leo) rộn ràng tiếng cồng chiêng. Hàng trăm người là bà con các dân tộc 3 buôn trong vùng đã chờ đợi từ lâu. Mọi người trong đoàn vừa xuống xe đã bị cuốn vào giữa vòng vây của đồng bào, những vòng ôm thắm thiết, những cái bắt tay thật chặt và thật nhiều nụ cười... Cụ Ama Thương, cụ Ama H’Oanh, cụ Lê Chí Nguyên- những người con một thời sống và chiến đấu, đồng cam cộng khổ cùng buôn làng giờ đây đang thân thiết trong vòng tay của bạn bè, những Amí, Ama yêu dấu. Bao câu chuyện, bao miền ký ức, chất ngất kỷ niệm trong mỗi người...
Trong lúc cụ Ama Thương đang nói chuyện thì có một cụ bà nãy giờ vẫn cố len chân vào trong vòng người, trên tay lỉnh kỉnh những túi to, túi nhỏ. Sau một thoáng luống cuống, bà dúi các túi đồ vào tay cụ Ama Thương rồi ôm chầm lấy, cười móm mém: “Nghe tin có đoàn của tỉnh về thăm buôn biết Ama Thương sẽ về nên chuẩn bị sẵn chút quà của nhà trồng được: bắp, đậu, cả bầu bí nữa đó, đưa về nhà ăn cho nhớ buôn làng nha”. Cụ Ama Thương mừng rỡ giới thiệu với mọi người: “Đây là H’Lý Ksor, gia đình đã nuôi mình trong suốt thời gian hơn hai chục năm mình hoạt động cách mạng ở nơi này đấy.” Qủa như cụ H’Lý đã đoán, trong mấy chục năm qua, khi đang giữ trọng trách là lãnh đạo của tỉnh (nguyên là Phó Bí thư Tỉnh uỷ) cũng như khi đã về nghỉ hưu, cụ Ama Thương không bao giờ  bỏ qua cơ hội về thăm lại những buôn làng xưa, nơi đã cưu mang mình suốt 2 cuộc chiến tranh. Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu rồi nhưng cụ vẫn hăm hở ngồi xe suốt hơn 100km với những đoạn đường gập ghềnh, xóc nẩy người hay trơn trượt khi về buôn. Từng ngã rẽ, mỗi cung đường vẫn nằm lòng trong tâm trí cụ. Cụ chăm chú quan sát dọc đường về buôn và phát hiện ra từng đổi thay dù nhỏ nhất rồi cứ gật gù hài lòng khi thấy sự trù phú của vùng quê xưa…

ảnh
Già H’Lý Ksor và cụ Ama Thương trong niềm vui hội ngộ


Cũng như cụ Ama Thương, cụ Huỳnnh Văn Cần (nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ)- người đã bao năm hoạt động cách mạng tại khu căn cứ H9 lại được sống trong tình cảm chân thành, nguyên vẹn như thuở nào khi cùng Đoàn trở về thăm lại buôn Đăk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông). Thật xúc động khi còn cách buôn chừng gần 2 km Đoàn đã thấy băng- rôn, cờ Tổ quốc... rực rỡ hai bên đường. Cả buôn  đã có mặt đông đủ ở Nhà văn hoá cộng đồng xã Cư Pui, nồng nhiệt đón tiếp đoàn. Cụ bà Amí An cứ nắm chặt tay cụ Huỳnh Văn Cần như không muốn rời. Gia đình Amí An là nơi từng nuôi dưỡng, bảo vệ những cán bộ cách mạng như cụ Cần, cụ Lê Văn Quyết (nguyên Chủ tịch Mặt trận TQVN tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh), cụ Võ Trung Thành (Năm Vinh)… trong những năm chiến tranh. Cụ Huỳnh Văn Cần phấn khởi nói với chúng tôi : “Bà con ở đây thân tình như ruột thịt. Về đây như về quê nhà, lâu không về thấy nhớ quá...” Buôn làng cứ quây lấy những cán bộ lão thành của đoàn mà râm ran, kể chuyện xưa, chuyện nay. Rồi nhắc lại kỷ niệm, lại rơm rớm nước mắt khi kể về những đồng đội, những bà con đã ra đi... Những câu chuyện hết sức cảm động, những kỷ niệm khó quên một thời đạn bom, những tự sự, uớc mong, tâm tình một thời hòa bình…

buôn làng dak tuôr
Già Amí An (người ngồi giữa) cùng đông đảo bà con trong buôn Đăk Tuôr về dự buổi gặp mặt. 


Những buôn làng đã đi vào lịch sử
Cụ Ama Thương chỉ tay vào ngọn núi Cư Jú trước mặt buôn Bir giải thích với những người trẻ đang vây quanh mình: Đây là vùng căn cứ cách mạng quan trọng của Đảng và quân ta trong suốt 2 cuộc kháng chiến. Nơi này đã từng diễn ra các Hội nghị, Đại hội đánh dấu những mốc lịch sử của tỉnh nhà. Cách đây 50 năm, vào tháng 2-1960, cạnh dòng suối Ea M’kan, hàng trăm đại biểu tiêu biểu cho đồng bào các dân tộc ở Đông- Tây Cheo Reo, Buôn Hồ, M’Drăk đã về dự Đại hội Đại biểu nhân dân. Đại hội quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng B3. (Đầu năm 1960, do yêu cầu của tổ chức, Thường vụ Khu uỷ Khu V quyết định chia Dak Lak ra làm 4 đơn vị, mật danh là B3, B4, B5, B6 do Liên tỉnh 4 và Liên khu uỷ Khu V trực tiếp chỉ đạo. B3 gồm 4 huyện : M’Drăk, Đông Cheo Reo, Tây Cheo Reo và Buôn Hồ). Đại hội kêu gọi đồng bào tiếp tục xây dựng khối đoàn kết, tham gia xây dựng lực lượng cách mạng, tăng gia sản xuất, giương cao ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đấu tranh giành độc lập, tự do. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Mặt trận Dân tộc Giải phóng B3 gồm 31 đồng chí. Ông Rơ Chăm Thép (Ama Kuăng) người dân tộc Jarai, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh làm Chủ tịch còn Siu Pui là mình - Ama Thương này làm Phó Chủ tịch. Đại hội thành công là nhờ  một phần công sức không nhỏ của hơn 30 hộ đồng bào dân tộc ở  buôn Bir đã phục vụ, bảo vệ Đại hội… Cũng tại vùng núi Cư Jú này đã diễn ra Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ Nhất. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng bào trong buôn Bir nói riêng và người dân xã EaHiao nói chung đã rất kiên cường, anh dũng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, nhường cơm, sẻ áo, nuôi giấu cán bộ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của tổ chức đã tham gia chiến đấu vũ trang và đấu tranh chính trị, lập được nhiều chiến công góp phần quan trọng vào thắng lợi của tỉnh nhà…

buon bir
Đường về buôn Bir hôm nay, dãy núi Cư Jú phía trước là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh nhà


Tại buôn Đăk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) cách đây 45 năm cũng đã diễn ra Hội nghị quan trọng. Tháng 12-1965, tỉnh đã tổ chức Hội nghị hợp nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng B3, B5, B6 thành Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Dak Lak. Hội nghị đã bầu ông Siu Pui (Ama Thương) làm Chủ tịch. Hội nghị này được Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chấp nhận như Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Dak Lak lần thứ II (nhiệm kỳ 1965- 1969).
Già Ama Hoa nhớ lại những ngày kháng chiến gian khổ, khó khăn mà oanh liệt: Năm 1961 dưới sự lãnh đạo của tổ chức, đồng bào buôn Đăk Tuôr cùng các buôn trong vùng nổi dậy gây hoang mang cho địch, tạo thời cơ để ta mở rộng vùng giải phóng, thành lập vùng tự do đầu tiên của căn cứ H9. Mặc dù bị địch càn quét, đốt phá , nhiều người đã anh dũng ngã xuống nhưng bà con vẫn bám buôn, bám làng, tăng gia sản xuất, nhịn ăn, bớt mặc, ăn cỏ tranh thay muối, góp lúa gạo, trâu bò để giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ cách mạng, che chở, bảo vệ cho họ đến ngày toàn thắng. Hang Đá Đăk Tuôr, nơi trú ẩn của cán bộ, nơi diễn ra bao sự kiện lớn đã được công nhận là Di tích lịch sử.

Tri ân những vùng căn cứ
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Hoàng Trọng Hải dẫn đầu đoàn lãnh đạo tỉnh đã chia sẻ với những người đi trong đoàn về buôn Đăk Tuôr: “Chúng ta về đây để thăm lại các chứng nhân lịch sử, để tri ân những người dân đã đồng cam, cộng khổ, hy sinh xương máu giúp đỡ, chở che cho cách mạng để có ngày phồn vinh hôm nay cho đất nước. Chúng ta có nghĩa vụ không thể để cho bà con vẫn phải tiếp tục chịu khổ cực sau bao nhiêu năm giải phóng. Hãy để nơi đây mãi là căn cứ của lòng dân, để dân mãi tin và một lòng theo Đảng”.

trao quà
Đồng chí Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ tặng quà 40 hộ dân có công với cách mạng tiêu biểu ở buôn Đăk Tuôr.


Mọi người trong đoàn đều thấy vui mừng trước những đổi thay ở buôn làng: Từ Buôn Ma Thuột về buôn Đăk Tuôr chừng 80 km nhưng Đoàn chỉ đi mất hơn một giờ đồng hồ. Trên đường đi dù vẫn chứng kiến những vết tích còn đọng lại của cơn lũ vừa qua nhưng không hề ảnh hưởng đến giao thông về buôn. “Trước đây, chỉ cần có vài trận mưa lớn là những vùng như xã Cư Pui, Cư Drăm…hoàn toàn bị cô lập vì đường ngập lụt hoặc bị cuốn trôi, sạt lở, khó phương tiện nào đi được”- Trưởng buôn ma Hăck nhớ lại… Đường vào buôn đã được nhựa hoá, người dân trong buôn đều được dùng nước sạch, điện thắp sáng. Cả buôn hiện có 100 hộ với 604 khẩu, 95% là đồng bào dân tộc M’Nông. Đời sống kinh tế của bà con đã dần ổn định, buôn làng đã có nhiều ngôi nhà khang trang, đa số các hộ đã có các phương tiện phục vụ sinh hoạt và sản xuất như xe máy, tivi, máy cày… Tuy nhiên, buôn làng vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả vì vùng sâu, vùng xa, đất đai cằn cỗi. Các đồng chí lãnh đạo đã lắng nghe những tâm sự của cán bộ, nhân dân trong buôn, xã và chỉ đạo các sở, ngành liên quan ghi nhận, tìm giải pháp thực hiện ngay những điều có thể như: giao thông, dạy nghề, giải quyết việc làm cho một số con em đồng bào đã tốt nghiệp các trường đại học, trường nghề…

quà
Đồng Chí Lữ Ngọc Cư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà buôn Bir


Đồng chí Lữ Ngọc Cư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, dẫn đầu đoàn thăm buôn Bir cũng đã  bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với sự đóng góp, cống hiến to lớn của đồng bào các dân tộc trong buôn cho cách mạng và Mặt trận tỉnh nhà. Đồng thời, đồng chí cũng động viên đồng bào cần phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

rượu cần
Vui cùng buôn làng bên những ché rượu cần


Thật phấn khởi khi cái nôi của cách mạng tỉnh nhà với 2 sự kiện quan trọng, một vùng chiến sự khốc liệt suốt hai cuộc kháng chiến, nay đang từng ngày đổi thay, xây dựng cuộc sống mới. Buôn Bir với 159 hộ (670 khẩu) đa số là dân tộc Ê đê, Ja rai đã không còn nhà tạm bợ, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước đều được người dân phấn khởi đón nhận và phát triển mang lại hiệu quả. Buôn trưởng Bloc Ksơr tâm sự: “Điều quan trọng là người dân trong buôn đã thay đổi nhiều về nhận thức. Đã biết thi đua nhau cùng phát triển kinh tế gia đình, đoàn kết giúp đỡ nhau để xây dựng buôn làng”.

nhà
Buôn làng đã thấp thoáng những ngôi nhà sàn khang trang


Đoàn lãnh đạo tỉnh đã tặng quà 40 gia đình ở buôn Đăk Tuôr và 35 gia đình ở buôn Bir có công phục vụ các kỳ Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng (mỗi suất quà 500.000 đồng). Món quà là nguồn động viên bà con trong buôn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy và hun đúc trách nhiệm xã hội cho thế hệ lãnh đạo nối tiếp. Đó cũng là ý nghĩa nhân văn, là giá trị cốt lõi của cuộc hành trình hướng về nguồn cội.

                                                                                                     Minh Quân

Ý kiến bạn đọc