Gác rừng ở Chư Yang Sin
09:25, 07/12/2010
Dù phải sống cách xa gia đình, đối mặt với những vất vả, khó khăn, nguy hiểm nhưng những người lính kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin vẫn ngày đêm bám rừng. Chính tình yêu và niềm say mê với rừng đã giúp họ chiến thắng mọi trở ngại, gian nguy để gắn bó với nghề, góp phần giữ màu xanh cho những cánh rừng nơi đây…
Bàn kế hoạch "tác chiến" cho chuyến đi rừng. |
Chúng tôi đến khi anh Kiều Thế Tình vẫn đang tất bật công việc của một người Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 4 của Vườn quốc gia Chư Yang Sin. Hơn 10 năm gắn bó với nghề gác rừng nên anh tự nhận mình là người của rừng. Anh bảo: “Không phải là người của rừng sao được khi quanh năm suốt tháng ăn dầm ở dề trong rừng, một tháng có 30 ngày thì đã 20 ngày là ngủ với rừng rồi. Nhưng nghề nào nghiệp nấy mà.” Rồi, anh kể cho chúng tôi nghe những lần đi tuần tra rừng với cơm vắt, mì gói. Cuộc “hành trình” được gói gọn trong chiếc ba lô nào là bản đồ, la bàn, nào là thức ăn, chăn màn sẵn sàng cho chuyến đi từ 5-7 ngày. Trạm kiểm lâm số 4 có 10 chiến sĩ đảm trách việc quản lý, bảo vệ 7 tiểu khu với diện tích khoảng 7.000 ha. Mỗi đợt tuần tra có khi chỉ có 8 cán bộ kiểm lâm, có khi thêm người của địa phương. “Mỗi lần tuần tra, truy quét rừng như thế, chúng tôi gom về gồm súng tự chế, thuốc nổ, bẫy thú… Xung quanh khu vực rừng thuộc địa bàn quản lý của trạm người dân di cư tự do sống tập trung khá đông, họ rất giỏi săn bắn nên chúng tôi thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát nạn săn bắt thú rừng. Nhiều khi, trong lúc tuần tra gặp họ trong rừng cũng chỉ nhắc nhở, làm công tác tư tưởng và thu lại những tang vật mà thôi. Nhưng lần này thu, lần này nhắc nhở, lần sau vẫn thấy họ tái phạm rồi chúng tôi lại phải tiếp tục nhắc nhở, làm công tác tư tưởng, còn xử phạt hành chính, khó lắm! Chưa kể đến nhiều đối tượng dùng ngay súng tự chế để tấn công lại chúng tôi. Vậy mà kỳ lạ lắm, vắt, muỗi, mưa rừng, lâm tặc tấn công… gian nguy là vậy nhưng không đi thì lại nhớ!” anh Tình chia sẻ.
Xuyên rừng tuần tra, truy quét lâm tặc. |
Còn như tâm sự của anh Tô Văn Dương, cán bộ pháp chế của Vườn thì khó khăn nhất là lâm tặc ngày càng manh động trong khi hệ thống pháp luật vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm cũng như bảo vệ đối với lực lượng kiểm lâm. Bên cạnh đó, khi đi sâu vào trong rừng, nếu như gặp chuyện gì bất trắc, họ phải linh hoạt xử lý vì không thể liên lạc về trung tâm trong khi quãng đường đi ra để báo tin phải đi bộ mất ít nhất cũng 2 ngày. Chưa kể đến những lần mải mê lần theo dấu vết của lâm tặc mà bị lạc giữa rừng, hoàn toàn dựa vào những kinh nghiệm, men theo suối để xác định hướng ra. Trước thị trường “đồ rừng” đang trở nên thịnh hành thì công việc gác rừng của các cán bộ chiến sĩ ở đây càng trở nên nguy khó hơn. Trong năm 2010, một bộ phận người H’Mông đã sử dụng chó đi săn thú rừng, mỗi lần họ thường mang theo ít nhất từ 2 - 3 con, khi gặp con mồi lũ chó chia ra làm nhiều hướng để bao vây, do vậy thú rừng khó có thể chạy thoát. Từ các loài thú lớn như nai, mang, heo rừng đến các loài sống trong hang hốc như nhím, chồn, dúi… khi bị chó săn phát hiện đều không thể thoát. Ngay cả loài khỉ, voọc sống trên cây nếu chỉ cần vài con chó đứng ở dưới gốc sủa là chúng không dám nhúc nhích, bọn lâm tặc chỉ việc dùng súng săn để hạ con mồi. Không chỉ giúp lâm tặc sẽ dễ dàng hơn trong săn bắt thú rừng, chó săn còn có lợi thế là có thể bắt được thú rừng sống mà khi đem đi tiêu thụ giá rất cao. Anh Dương kể, khoảng tháng 2-2010, đoàn tuần tra của Vườn gồm 10 người đi làm nhiệm vụ tại xã Bông Krang (huyện Lak) đã phát hiện tại tiểu khu 1379 có 4 lâm tặc dùng 3 con chó đang đi săn thú. Bị phát hiện, chúng đã bỏ chạy để lại một bao tải trong đó là một con heo rừng đã chết do bị chó săn cắn vào cổ. Chính anh Dương đã phải dùng súng cao su bắn mới bắt được 1 con chó, 2 con còn lại bỏ chạy. Việc lâm tặc sử dụng chó săn thú “lợi hại” là vậy, nhưng việc bắt chó trong rừng hết sức khó khăn vì vào đến rừng là chúng được lâm tặc thả rông. Đây là loài chó rất khôn và thính, chúng có thể phát hiện ra lực lượng tuần tra từ xa, đánh động giúp lâm tặc có cơ hội bỏ chạy. Từ đầu năm đến nay, qua các cuộc tuần tra, cán bộ, kiểm lâm của Vườn đã bắt được khoảng 20 con, mang về thuần hóa để trông coi cơ quan… Khó khăn, vất vả, có khi nguy hiểm đến cả tính mạng nhưng ở đây không ai bỏ rừng. Với họ, lý do chỉ đơn giản: họ là người của rừng.
Giữa bạt ngàn rừng núi, trong cái lạnh se sắt của những ngày vào đông, chúng tôi càng thấm thía nỗi cực nhọc của cán bộ kiểm lâm nơi đây. Và để giữ được màu xanh ấy là có sự đóng góp không nhỏ của những những người lính lấy sự bình yên của rừng làm “nghiệp” của mình.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc