Multimedia Đọc Báo in

Khắc khoải nghề cá Buôn Trấp !

14:53, 08/04/2011

Những năm gần đây, nguồn thủy sản tự nhiên ở các lưu vực sông Krông Ana, Krông Nô đang dần cạn kiệt, cộng với giá xăng dầu, ngư cụ đánh bắt không ngừng tăng, khiến hàng chục hộ ngư dân (Chi hội nghề cá Buôn Trấp, Krông Ana) canh cánh nỗi lo liệu có còn cầm cự được với nghề ?

Lay lắt nghề cá trên sông
Chi hội nghề cá Buôn Trấp (thuộc Dự án quản lý nghề cá lưu vực sông Mê Kông) được thành lập từ đầu năm 2010, với mục tiêu quản lý, khai thác, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sêrêpôk chảy qua địa bàn huyện Krông Ana, đồng thời tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, ổn định đời sống, tăng thu nhập cho hội viên. Chi hội ra đời trong bối cảnh không mấy thuận lợi, 2/3 số hội viên đều thuộc hộ nghèo, không có đất canh tác nông nghiệp, ngoài việc đánh bắt cá trên sông từ bao năm nay, họ không có ngành nghề nào khác.

Về thăm các xóm chài bên dòng Krông Ana những ngày này, dễ nhận thấy việc chài lưới không còn nhộn nhịp như trước; nhiều hộ dân không còn mặn mà với công việc đánh bắt cá như trước. Chỉ tay về phía những chiếc thuyền neo đậu sát bờ nhiều ngày nay, anh Phan Văn Hiếu, một dân chài có tay nghề thâm niên cho biết: cách đây khoảng 5 năm, việc đánh bắt cá trên các sông thu hút rất nhiều người tham gia; riêng anh, mỗi ngày buông lưới cũng kiếm được hàng chục kg cá, tôm các loại. Nhưng nay lượng thủy sản đã giảm đi rất nhiều, hôm nào may mắn anh cũng chỉ bắt được 1 - 2 kg cá nhỏ. Không những thế, nhiều loài cá trước đây được coi là đặc sản của vùng như cá Trôi bạc, Van, Dâu, Chấm đen… nay không còn nữa. Anh Đỗ Ngọc Mẫn bộc bạch: cùng thời điểm này năm trước, trong xóm chài chỉ có ít gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, nhưng nay đã có khoảng 40% số hộ phải chạy ăn từng bữa. Nhiều người đã xin ra khỏi Hội và chuyển qua nghề khác (thời gian đầu mới thành lập có 79 hội viên, đến nay chỉ còn 52 người), một số khác do thiếu vốn làm ăn, lại không có ruộng đất canh tác nên đành cố bám vào nghề cá, song, thu nhập rất thấp (trừ chi phí, mỗi gia đình đạt chưa đầy 1 triệu đồng/tháng). Điều trăn trở nữa là, có tới 90% số trẻ em trong độ tuổi đến trường ở các xóm chài đều bị thất học hoặc bỏ giữa chừng vì cha mẹ không đủ khả năng cho đi học tiếp.

Thuyền của các hội viên nghề cá Buôn Trấp neo nhiều ngày trên bến bởi họ không còn thiết tha với nghề nữa.
Thuyền của các hội viên nghề cá Buôn Trấp neo nhiều ngày trên bến bởi họ không còn thiết tha với nghề nữa.

Gian nan tìm giải pháp
Để quản lý nghề cá trên dòng Krông Ana có hiệu quả là việc làm không đơn giản, bởi địa hình các lưu vực sông có nhiều eo ngách, thác ghềnh hiểm trở, các hộ ngư dân sống rải rác nhiều nơi. Hơn nữa, nghề cá trên sông phần lớn vẫn mang tính tự do, người dân còn sử dụng những phương tiện khai thác mang tính hủy diệt như kích điện, đánh thuốc nổ, dùng đáy giàn cào bằng điện…  khiến sản lượng cá tự nhiên hằng năm suy giảm nghiêm trọng (từ 15- 20%). Cùng với đó, việc ngăn dòng xây dựng các đập thủy điện Buôn Kuốp và Buôn Tua Srah trên lưu vực sông Krông Ana, không những làm nguồn nước thay đổi thất thường mà còn chặn đường di cư sinh sản của các loài cá, chưa kể nguồn nước sông đang ngày càng bị ô nhiễm do khai thác cát bất hợp lý, người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thường vứt vỏ bao bì ra sông đầu độc dòng chảy…, đó chính là những tác nhân làm cho nguồn thủy sản dần cạn kiệt.

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp huyện Krông Ana đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục như tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật đánh bắt, bảo vệ, nuôi trồng thủy sản cho ngư dân địa phương; đồng thời phối hợp với Công an thị trấn, Cảnh sát đường sông thường xuyên giám sát, xử lý các đối tượng vi phạm quy định khai thác, đánh bắt cá. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy vẫn chưa thực sự hữu hiệu. Theo ông Đặng Văn Lân, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Ana, sản lượng cá khai thác từ việc nuôi trồng trong huyện luôn ổn định 720 tấn/năm, còn đánh bắt tự nhiên chỉ có 650 tấn/năm, nhưng đến nay cũng đang suy giảm trầm trọng. Để bổ sung nguồn cá sống tự nhiên, trong năm 2010, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Chi hội nghề cá Buôn Trấp đã cho thả 70 kg cá giống các loại xuống sông Krông Ana. Riêng năm nay huyện cũng có chủ trương sẽ thả thêm 150 kg cá nữa. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện cũng đề xuất tới các Ngân hàng hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp cho các ngư dân nghèo, nhằm giúp bà con mua thêm ngư cụ, và phát triển thêm ngành nghề sản xuất mới, ổn định cuộc sống lâu dài.

 

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc