Multimedia Đọc Báo in

Những bất cập trong công tác quản lý an toàn khai thác đá

Kỳ II: Những “lỗ hổng” trong công tác quản lý khai thác đá

09:35, 25/05/2011

Khai thác đá đang là lĩnh vực “hot” mang lại lợi nhuận cao thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động và an toàn vệ sinh lao động tại các mỏ đá còn nhiều “lỗ hổng”  cần phải sớm khắc phục, chấn chỉnh…

Những bất cập trong quản lý khai thác đá
Hiện  nay, toàn tỉnh có 61 mỏ đá đã được cấp phép khai thác. Thế nhưng, điều đáng nói là khi UBND tỉnh cấp giấy phép cho các nhà khai thác, sản xuất đá, ngoài chính quyền địa phương, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên - Môi trường… ra, Thanh tra lao động (Sở Lao động Thương binh và Xã hội) lại không được tham gia về công tác bảo đảm an toàn. Trong số hơn 50 doanh nghiệp được cấp phép thì có đến 85% là doanh nghiệp tư nhân. Vấn đề ở đây không có ý phân biệt thành phần kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân. Nhưng, có một sự thật là các doanh nghiệp nhà nước, có đầy đủ các phòng, ban cần thiết, trong đó, không thể thiếu Ban An toàn lao động và chí ít cũng có một cán bộ phụ trách. Còn ở doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp là nhà đầu tư, đồng thời "kiêm" luôn nhà sản xuất, kinh doanh, quan hệ đối tác, và cả chức năng "bảo hộ lao động" của doanh nghiệp. Tất nhiên, muốn được cấp phép, họ không khó "vẽ" ra một hồ sơ thỏa mãn yêu cầu của các cơ quan tham mưu. Nhưng sau khi được cấp phép, họ chưa hẳn đã thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật khai thác! Trên thực tế thì cơ quan có chức năng, trách nhiệm trong việc thẩm định, giám sát công tác an toàn lao động là thanh tra lao động thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội bị đặt ra ngoài cuộc. Vì thế, doanh nghiệp không chịu sức ép của việc phải bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho người lao động. Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, biên chế của thanh tra lao động còn eo hẹp, chỉ có 2 hoặc 3 người, cho nên việc thanh tra để chỉ ra các doanh nghiệp có nguy cơ để xảy ra TNLĐ là không nhiều, không thường xuyên. Cả tỉnh có đến hơn 6.000 doanh nghiệp mà chỉ có 3 thanh tra lao động, thì một doanh nghiệp nếu được thanh tra lần hai phải sau vài chục năm.

Đa số người lao động tại các mỏ đá không được trang bị bảo hộ lao động. Trong ảnh: Hai “kỹ thuật viên” đang khoan lỗ đặt mìn khai thác tại mỏ đá Cư Êbur trong mịt mù bụi.
Đa số người lao động tại các mỏ đá không được trang bị bảo hộ lao động. Trong ảnh: Hai “kỹ thuật viên” đang khoan lỗ đặt mìn khai thác tại mỏ đá Cư Êbur trong mịt mù bụi.

Theo số liệu của Thanh tra lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2010, đoàn liên ngành của tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra  công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ ở 20 đơn vị, trong đó có 5 doanh nghiệp khai thác đá. Kết luận của đoàn thanh tra là: Những đơn vị khai thác mỏ đá hầu như không đảm bảo theo yêu cầu, chưa chấp hành nghiêm những quy định về ATVSLĐ và PCCN; Chưa thường xuyên tổ chức huấn luyện an toàn cho người lao động; Trang thiết bị chưa đảm bảo chất lượng; Độ bụi, tiếng ồn cao gấp nhiều lần cho phép; Bảo hộ lao động chưa đầy đủ và mang tính đối phó; Chưa quan tâm đến việc khám chữa bệnh cho người lao động, đa số đều bị bệnh nghề nghiệp (bệnh hô hấp)… Tuy vậy, vì đều là những đơn vị mới được kiểm tra lần đầu nên cuối cùng đoàn kiểm tra cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở mà chưa xử phạt (!). Việc nương nhẹ trong xử lý sai phạm  cũng là một hạn chế  trong quản lý và không có tính chất răn đe khiến các doanh nghiệp vẫn tiếp tục coi nhẹ. Hơn thế, theo nguyên tắc, mỗi khi thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cần báo trước vì vậy nhiều doanh nghiệp chuẩn bị“đón đoàn” bằng nhiều hình thức đối phó. Trong một lần chúng tôi cùng đoàn kiểm tra đến một mỏ đá ở thị xã Buôn Hồ, mọi người đều rất hài lòng trước hình ảnh những công nhân khai thác đá mặc đồ bảo hộ chỉnh tề, có đầy đủ mũ bảo hộ, giày, găng tay, khẩu trang… nhưng tất cả đều mới tinh, còn nguyên nếp gấp. Một công nhân thật thà thổ lộ: “Nghe nói có đoàn kiểm tra đến nên hôm qua chúng tôi được Công ty phát cho mỗi người một bộ chỉnh tề thế này. Thường ngày, có gì mặc nấy, quen rồi dễ làm, mặc bộ đồ mới, nai nịt vướng víu khó chịu lắm…”(!)

Giải pháp nào cho an toàn vệ sinh lao động?
Bức tranh toàn cảnh về AT-VSLĐ trong lĩnh vực khai thác đá hiện nay là: Bên cạnh một số ít quan tâm đến thực hiện đúng quy trình an toàn vệ sinh trong lao động thì phần đông các doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận,  không tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm an toàn. Thiết nghĩ, việc trước mắt cần làm là thanh tra lao động nên tổ chức thanh tra đột xuất, "bóc tách" các doanh nghiệp làm tốt, làm xấu, bổ sung ngay các phương án và điều kiện bảo đảm sản xuất phải an toàn. Doanh nghiệp khai thác đá nào có nguy cơ để xảy ra TNLĐ và ảnh hưởng đến đời sống, môi trường của người dân xung quanh phải dừng khai thác ngay lập tức để củng cố, hoàn thiện quy trình, kỹ thuật và bảo đảm an toàn mới cho sản xuất trở lại. Về lâu dài, cần khắc phục ngay tình trạng buông lỏng khâu thẩm định phương án "bảo đảm an toàn" trong hồ sơ cấp phép mở doanh nghiệp khai thác đá; xem xét, bổ sung và hoàn thiện các giải pháp "bảo đảm an toàn" đối với các doanh nghiệp đã cấp phép và đang hoạt động; chấn chỉnh việc tuyển dụng nhân sự, yêu cầu người lao động được tuyển phải có nghề, được đào tạo, được hướng dẫn công tác bảo đảm AT-VSLĐ. Các ngành chức năng, các doanh nghiệp cần tìm ra giải pháp mới như kỹ thuật ép giãn nở đá, đồng thời tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nổ mìn khai thác đá.

Trong Hội nghị của ngành Lao động- Thương binh và Xã hội vừa diễn ra tại Buôn Ma Thuột, ông Phạm Gia Lượng- Cục phó Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác thanh tra lao động tại các mỏ đá và đưa ra một số hướng dẫn mới nhằm tạo điều kiện cho bộ phận thanh tra trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản… Ngày 8-4-2011, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 1635 nhằm triển khai Công văn số 2066 ngày 5-4-2011 của Văn phòng Chính phủ về việc đảm bảo an toàn lao động trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và đầu tháng 7-2011, Luật Khoáng sản mới có hiệu lực thi hành. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên Môi trường chịu trách nhiệm chính, phối hợp với các Sở Công thương, Xây dựng, Lao động- Thương binh và Xã hội cùng các ngành, địa phương liên quan kiểm tra tình hình hoạt động khoáng sản, an toàn lao động tại các mỏ đá làm vật liệu xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và báo cáo kết quả về UBND tỉnh. Hy vọng với việc tăng cường công tác quản lý khoáng sản cũng như thực hiện Luật Khoáng sản mới, trong thời gian tới hoạt động khai thác đá trên địa bàn tỉnh sẽ có những chuyển biến tích cực để giảm thiểu tai nạn, ảnh hưởng môi trường…

 

Minh Quân

Ý kiến bạn đọc