Nhức nhối vấn nạn mại dâm
KỲ II: Phòng chống mại dâm cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội
Ngoài việc kiên quyết triệt phá các đường dây buôn bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục thì điều quan trọng là cần thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội như xóa đói, giảm nghèo; tạo điều kiện để trẻ em đều được đi học, nhất là trẻ em gái... Bởi trên thực tế, rất nhiều gái mại dâm bị đẩy vào nghề do chính cha mẹ, người thân của mình mà nguyên nhân chính là do nghèo khó và nhận thức hạn hẹp.
Dập dềnh những “phận hoa”
Qua điều tra, tìm hiểu cho thấy trong số những gái bán dâm thì có đến hơn một nửa là do hoàn cảnh xô đẩy, bị mua bán, bị ép buộc… để rồi vì mặc cảm, vì sự ghẻ lạnh, khinh bỉ của người đời họ đã không thể tái hòa nhập cộng đồng, cứ mãi dấn thân vào vùng u tối.
Những người viết bài này đã từng chứng kiến tận mắt hai cuộc “đào tẩu” khỏi “ổ chứa” của 2 cô gái trong vòng 2 tháng. Với vẻ mặt hốt hoảng khi đến núp nhờ ở một quán hàng trên đường Lê Duẩn. Chui hẳn vào dưới gầm bàn phía sau chiếc tủ bán hàng rất kín đáo rồi mà cô gái vẫn còn run lẩy bẩy sợ bị ông chủ và mấy gã “ma cô” bắt được sẽ đánh chết. Tháo đôi bông tai bằng vàng tây ra và nhờ chúng tôi đi bán lấy tiền mua vé về TP.Hồ Chí Minh. Núp từ 12 giờ trưa đến tận 21 giờ xe mới chạy qua, cô gái có tên V. kể trong nỗi khiếp sợ: Năm nay mới 16 tuổi, quê ở Kiên Giang, gia đình nghèo khó, nên mẹ V. phải vay mượn nợ nần khá nhiều. Sau Tết Tân Mão, mẹ bảo V. theo một người dì họ xa đang sống ở TP. Hồ Chí Minh lên đó làm ăn. Sau một ngày đi xe mệt mỏi, V. đã được dì giao lại cho một người đàn bà khác rồi căn dặn ở lại làm việc chăm chỉ, ngoan ngoãn nghe lời “bạn của dì”. Mãi đến mấy ngày sau V. mới biết là mình đang ở Buôn Ma Thuột chứ không phải ở TP. Hồ Chí Minh và đã bị dì bán lại cho một chủ chứa gái mại dâm chuyên cung cấp gái cho các quán karaokê hoặc khách mua dâm có nhu cầu. “Ổ chứa” nơi V. ở là một con hẻm nhỏ trên đường Lê Duẩn, nuôi ăn, ở 13 cô gái độ tuổi từ 15 đến 21. Các cô gái ở đây phải tuân thủ tuyệt đối sự điều hành của chủ chứ, nếu trái lệnh hoặc bị khách phàn nàn sẽ bị mấy tay bảo kê đánh đập dã man hoặc bị bỏ đói, phạt trừ tiền vào số tiền mà chủ chứa “giữ hộ”. Buổi sáng các cô giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp, trưa ngủ dậy là trang điểm và sẵn sàng là đi (một số cô được khách quen chọn hoặc bà chủ điều thì đi cả ngày). Thường thì đến 17 giờ các cô được mấy tay ma cô chở đi đến các quán karaokê bằng xe máy và canh chừng đến lúc đưa về. Tiền tiếp khách được thỏa thuận giữa chủ chứa và nhà hàng, quán karaokê, tiếp viên ngoài tiền “boa” của khách sẽ được nhận thêm 50.000 đồng trên một két bia khách uống. Chính vì vậy, khi tiếp khách các cô cứ khui bia, đổ bia tràn lan. Có những chủ quán karaokê rất “quái”, sau khi khách về họ sẽ trút số bia còn thừa vào đầy các chai rồi đóng nắp lại, ngày hôm sau trộn vào các két bia nguyên và bắt tiếp viên phải uống những chai thừa đó, rất khó uống. Nhưng với V. uống bia hay ít tiền đều không đáng sợ bằng bị ép đi khách khi họ có nhu cầu “tăng 3”. Sau khi đến động chứa một tuần, V. đã bị bà chủ ép bán trinh cho một người đàn ông đứng tuổi với giá 20 triệu đồng. Số tiền bán trinh, bà chủ chỉ trả cho V. một nửa - 10 triệu đồng, nhưng bà “giữ dùm” để phòng em bỏ trốn. Sau 4 tháng bị ép bán dâm, không thể tiếp tục chịu đựng, nhân lúc mọi người ngủ trưa, V. tìm cách trốn đi hoàn toàn tay không…
Gần một tháng sau, chúng tôi lại gặp một trường hợp tương tự: cô gái tên H. quê ở Cà Mau vừa trốn khỏi động chứa là một nhà nghỉ trên đường Đinh Tiên Hoàng xin núp ở một hàng ăn gần bến xe Rạng Đông để nhờ người mua vé về quê. Nhưng điều đau đớn với H. là em đã bị chính mẹ ruột của mình bán cho chủ chứa, đẩy em vào con đường trần ai nên H. rất hận mẹ. Thoát được, H. sẽ về vạch trần tội lỗi của mẹ và… “em vẫn chưa biết làm gì sau đó để sống nữa”…(?!)
Tại trung tâm Giáo dục Lao động xã hội, cô gái tên T. được các thầy cô giáo ở đây rất khen ngợi vì sự ngoan ngoãn, chăm chỉ quyết tâm học tập, rèn luyện của em. T kể: Quê em ở Cần Thơ, ba mất sớm, má lấy chồng khác, sinh thêm 3 đứa em nên cuộc sống vốn đã khó khăn, càng cơ cực. T. phải bỏ học khi mới hết tiểu học để về trông em, làm thuê phụ giúp má. Năm 16 tuổi, T. cùng mấy đứa bạn ở quê theo một người quen lên TP. Hồ Chí Minh giúp việc kiếm tiền gửi về phụ giúp má. Không ngờ, người quen đã bán các em cho một chủ chứa đi phục vụ nhà hàng và bán dâm. Một thời gian sau T. lại bị bán về một động chứa ở Dak Nông, đến đầu năm 2010 lại bị bán sang Dak Lak, cuối năm 2011 trong một lần kiểm tra của lực lượng chức năng T. bị đưa về Trung tâm. T. nói: “Em mừng vì…bị “bắt”, đây là cơ hội để em làm lại cuộc đời. Ở đây em đang được học may, sau này em sẽ về quê mở hiệu may hoặc xin vào làm công nhân ở một nhà máy may nào đó…”. Không nhìn tương lai “tươi sáng” như T, cô gái có tên L, quê ở Khánh Hòa đã vào Trung tâm lần thứ 2. Lần thứ nhất cách đây 2 năm, hết hạn giáo dục, L. được giao về cho địa phương quản lý. L. cũng dự định sẽ làm lại cuộc đời. Nhưng “…tiếng dữ đồn xa”, người dân trong vùng biết cô từng là gái mại dâm nên đều xa lánh, đến làm thuê cũng chẳng ai thuê. Mặc cảm, khó khăn, L. trở lại Dak Lak tiếp tục đưa chân vào con đường cũ. Nhưng điều đáng sợ nhất là L. đang mang trong mình mầm bệnh HIV và đang được điều trị tại Trung tâm…
Gái mại dâm đi xe máy mời khách trên đường Trần Nhật Duật. |
Hoạt động chống mại dâm của các cơ quan chức năng
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay trong tỉnh có khoảng trên 4.000 nữ nhân viên đang phục vụ tại 3.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện (gồm: 1.350 cơ sở kinh doanh lưu trú; 150 nhà hàng; 4 vũ trường; 250 cơ sở karaokê; 1.250 quán cà phê, cắt tóc thanh nữ, internet; 35 cơ sở massage; còn lại là các dịch vụ khác). Trong đó có 75 cơ sở và 350 nữ nhân viên nghi hoạt động mại dâm.
Trong 5 năm (từ 2006 đến 2010) các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra được 376 cơ sở kinh doanh với các loại hình lưu trú, karaokê, cà phê đèn mờ, massage, cắt tóc… Lực lượng công an đã bắt 62 vụ, 384 đối tượng. Trong đó có 72 chủ chứa, 202 gái bán dâm, 109 khách mua dâm. Đã xử lý hình sự 56 vụ, 72 chủ chứa. Xử lý hành chính 286 đối tượng với hình thức phạt tiền 133 đối tượng. Đưa vào Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội tỉnh 165 gái bán dâm.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra và lập biên bản 47 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện: Krông Pak, Ea H’leo, Ea Kar gồm: 6 khách sạn, 32 nhà nghỉ, 6 quán karaokê, 3 cơ sở massage. Đồng thời cơ quan công an đã triệt phá được 4 tụ điểm tổ chức hoạt động mại dâm, bắt 29 đối tượng, trong đó có 4 chủ chứa, môi giới; 17 gái bán dâm (6 gái đứng đường); 8 khách mua dâm, tất cả đã được xử lý theo pháp luật.
Đặc biệt, vào tháng 4-2011, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng đã giải cứu được 3 nạn nhân bị lừa bán từ Kiên Giang lên Buôn Ma Thuột (trong đó 2 nạn nhân tuổi vị thành niên, sinh năm 1994 và 1996) để hành nghề mại dâm dưới vỏ bọc hớt tóc, giúp việc nhà ở quán Cắt tóc Bi đường Lê Thị Hồng Gấm và Cắt tóc Như Ý ở đường Ngô Quyền. Cả 3 nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình họ đều đã nợ những kẻ buôn người một số tiền lớn nên đành để con gái bán thân trừ nợ…
Dạy nghề may cho học viên 05 ở Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội tỉnh. |
Cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội
Ngày 10-5-2011, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã ký Quyết định số 679 về Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc (với tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 629 tỷ đồng) nhằm tập trung giải quyết tệ nạn mại dâm tại những địa bàn trọng điểm, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức, phòng chống buôn bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục nhằm giảm thiểu tác hại của tệ nạn này đối với đời sống xã hội. Ngày 28-6-2011, tại Hội nghị triển khai chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2015 ở Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân đã chính thức đưa ra quan điểm tiếp cận để phòng, chống mại dâm trong thời gian tới là không nên coi đây là tệ nạn xã hội nữa mà nên giúp đỡ, hỗ trợ người bán dâm, từ đó giảm thiểu tác hại cho cộng đồng chứ không phải là cứ đưa họ vào trại hoặc các trung tâm giáo dưỡng… Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng nhìn nhận vấn đề này với quan điểm mới: Nên coi đây là một hiện tượng hơn là một tệ nạn xã hội…
Trên cơ sở đó, ngày 7-7-2011, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 1628 phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 của tỉnh. Trong đó, có một số chỉ tiêu cụ thể như: Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong công tác phòng, chống mại dâm; Đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động mại dâm và xử lý nghiêm minh 100% số vụ việc, đường dây hoạt động mại dâm được phát hiện; giảm hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ; Duy trì 95% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có mại dâm; Giải quyết dứt điểm tình trạng gái mại dâm đứng đường hoạt động công khai tại các khu vực công cộng trên địa bàn TP. Buôn Ma thuột và một số huyện, thị xã bằng nhiều biện pháp triệt để và có hiệu quả.; Tổ chức chữa trị, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho số người bán dâm có hồ sơ quản lý bằng các hình thức phù hợp tại trung tâm hoặc cộng đồng. Tập trung nguồn lực và chú trọng hoạt động tại cộng đồng…
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả Chương trình trên không phải chỉ riêng cơ quan chức năng mà đòi hỏi phải biết vận động sức mạnh liên kết của cả cộng đồng xã hội, đặc biệt là thay đổi trong nhận thức, cách nhìn về hoạt động mại dâm. Vì vậy, thiết nghĩ, ngoài việc kiên quyết triệt phá các đường dây buôn bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục thì điều quan trọng là cần thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội như xóa đói, giảm nghèo; tạo điều kiện để trẻ em đều được đi học, nhất là trẻ em gái... Bởi trên thực tế, rất nhiều gái mại dâm bị đẩy vào nghề do chính cha mẹ, người thân của mình mà nguyên nhân chính là do nghèo khó và nhận thức hạn hẹp. Đồng thời, với gái mại dâm cần giúp đỡ họ tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội như: dịch vụ y tế, đào tạo nghề, công ăn việc làm mới và tránh kỳ thị để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời…
Ý kiến bạn đọc