Multimedia Đọc Báo in

“Ngổn ngang” khu, cụm công nghiệp (Kỳ cuối)

03:52, 28/11/2011
Kỳ cuối: Những trăn trở, băn khoăn từ bài toán hiệu quả

Tổng diện tích đất dành cho 1 khu công nghiệp (KCN) và 11 cụm công nghiệp (CCN) của toàn tỉnh hiện nay  trên 743 ha. Tuy nhiên hiệu quả sử dụng đất cũng như kinh tế mang lại từ các KCN – CCN trên địa bàn tỉnh chưa được như mong muốn.

 

Không kể KCN Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) có tổng diện tích 181,7 ha, đã đi vào hoạt động trong nhiều năm nay, trong số 11 CCN được công bố quy hoạch có 7 CCN có các dự án khởi công xây dựng, đi vào hoạt động: CCN Tân An I, Tân An II, Cư Kuin, Ea Đar (huyện Ea Kar), Krông Buk 1, Trường Thành (huyện Ea H’leo), M’Drak với khoảng 100 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 6.000 tỷ đồng. Trong số đó, có khoảng 40 dự án đã hoạt động, 16 dự án đang xây dựng và 35 dự án đăng ký đầu tư với diện tích mặt bằng cho các doanh nghiệp (DN) thuê là trên 200 ha. So với hơn 562 ha đất được quy hoạch cho CCN thì tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN trên địa bàn tỉnh mới đạt khoảng 35,5%. Qua đó cho thấy hiệu quả sử dụng đất còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do các CCN trên địa bàn tỉnh đều trong giai đoạn đầu tư xây dựng, chưa có CCN nào hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, cho nên khó thu hút đầu tư. Ngay như KCN Hòa Phú, với diện tích được quy hoạch 181,7 ha, đến nay mới có 9 dự án hoạt động, tổng diện tích đất đã thỏa thuận cho DN thuê khoảng 90 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 72%. Ông Nguyễn Hữu Tỷ, Trưởng Phòng Quản lý DN và Xuất nhập khẩu Ban Quản lý (BQL) KCN Hòa Phú cho biết, với 9 DN đi vào hoạt động sản xuất  đã tạo việc làm cho trên 1.000 lao động với thu nhập bình quân 3,2 triệu đồng/tháng, trong đó 70% là lao động tại chỗ.  Trong 9 tháng đầu năm 2011, tổng doanh thu toàn cụm đạt gần 700 tỷ đồng, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 13,1 tỷ đồng, nộp ngân sách 6,4 tỷ đồng cùng 1,8 tỷ đồng thu từ thuế sử dụng đất. Theo đánh giá thì hiệu quả kinh tế mà KCN Hòa Phú mang lại còn khá khiêm tốn. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc Công ty Phát triển Hạ tầng KCN Hòa Phú cũng thừa nhận, trong khó khăn chung của tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cũng như thu hút các dự án đầu tư ở các KCN–CCN trên địa bàn tỉnh, KCN Hòa Phú, sau 4 năm nỗ lực, cố gắng thì cũng chỉ mới bước đầu có được hình hài sơ khai của một KCN. KCN này vẫn còn bề bộn những khó khăn phải đối mặt. Theo kế hoạch đến năm 2013, KCN phải hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, tuy nhiên, đến nay mới cơ bản hoàn thành một số hạng mục: giải tỏa đền bù, rà phá bom mìn, nhà văn phòng, san ủi mặt bằng, nhà máy xử lý nước thải tập trung… với tổng vốn đầu tư khoảng 162 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương chỉ mới giải ngân 78 tỷ đồng, ngân sách địa phương 25 tỷ đồng, số còn lại đang nợ khối lượng các đơn vị công. Hiện KCN còn khá nhiều hạng mục chưa đầu tư gồm: Bồi thường giải phóng mặt bằng 16 ha (diện tích còn lại chưa giải quyết được), san nền gói còn lại, các trục đường liên khu vực trong KCN, đường trục chính, hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước sạch, hệ thống thu gom xử lý nước thải (giai đoạn 2) với tổng nhu cầu vốn cần thêm khoảng 160 tỷ đồng. Như vậy, chỉ còn 2 năm, trong khi vốn đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương, thì quả thật những khó khăn về vốn của KCN này không dễ dàng tháo gỡ. Việc hạ tầng đầu tư dang dở sẽ là rào cản trong hoạt động thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn. Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN- CNN. Hơn nữa, ngay như khu đô thị dịch vụ với tổng diện tích theo quy hoạch được phê duyệt là 5,5 ha đến nay vẫn chưa thu hút được đầu tư, hiện đang giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh quản lý.

Hoạt động chế biến cà phê xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex (TP. Hồ Chí Minh) tại CCN Tân An 2.
Hoạt động chế biến cà phê xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex (TP. Hồ Chí Minh) tại CCN Tân An 2.

Qua đó, có thể dễ dàng nhận thấy các KCN–CCN hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng để phát triển thành vùng công nghiệp sôi động thực sự. Và ngược lại tiềm năng ở mỗi KCN–CCN cũng khó có thể được khai thác nếu việc quy hoạch đầu tư, xây dựng cứ chạy theo phong trào, dàn trải, thiếu sự đầu tư tập trung. Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), phát triển các khu kinh tế, KCN–CCN là một đòi hỏi tất yếu, khách quan, bởi nó sẽ góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quy hoạch, đầu tư như thế nào để có thể phát huy hiệu quả của việc sử dụng đất cũng như kinh tế mà các KCN–CCN mang lại. Như những băn khoăn, trăn trở của nhiều chuyên gia tại Hội thảo "Lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015)" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIII tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9-2011, quá trình CNH, HĐH đất nước đòi hỏi phải dành quỹ đất để phát triển các KCN –CCN, thậm chí phải chuyển đổi một số đất nông nghiệp, kể cả là đất trồng lúa ở các vùng đồng bằng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, cần phải lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất KCN -CCN, đất nông nghiệp một cách có chọn lọc để vừa đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài, vừa tạo động lực và khai thác thế mạnh đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như từng địa phương nói riêng.

Theo số liệu Bộ Tài nguyên – Môi trường, đất quy hoạch cho các KCN–CCN giai đoạn 2001-2010 lên tới 100.000 ha nhưng sử dụng chưa hiệu quả. Cả nước có 267 khu công nghiệp với diện tích 72.000 ha, nhưng tỷ lệ lấp đầy đến hiện nay chỉ là 46%. Trong các KCN , có đến gần 7.000 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng chỉ tạo ra được khoảng 25% GDP và đóng góp vào ngân sách nhà nước xấp xỉ 1 tỷ USD. Về đất CCN,  cả nước có khoảng 650 CCN với tổng diện tích quy hoạch là 28.000 ha nhưng tỷ lệ lấp đầy chỉ 44%.

 

Lê Hương
[links()]

 


Ý kiến bạn đọc