Multimedia Đọc Báo in

“Cây cầu... đoàn kết”

09:58, 15/06/2012

 

Ở xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) có một cây cầu treo vừa mới được khánh thành với cái tên gọi là “cây cầu đoàn kết”. Đây chỉ là một cây cầu treo bán kiên cố do người dân tự làm bắc qua sông Krông Năng để phục vụ đời sống dân sinh trong vùng. Thế nhưng, với người dân ở đây thì cây cầu này lại mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn...

Cây cầu đã được người dân đặt tên là “cây cầu đoàn kết”, dường như đó là để nhắc nhở và ghi nhớ một chân lý ngàn đời: “Đoàn kết là sức mạnh”! 

Mong mỏi một cây cầu...

Thôn Xuân Đạt có tổng cộng 70 hộ dân, trong đó trên 30% số hộ có đất canh tác bên kia sông Krông Năng, thuộc địa bàn thôn Xuân Hà 1, xã Ea Dăh. Bên kia sông, thôn Xuân Hà 1, xã Ea Dăh cũng có hàng chục hộ sống ven sông, nhiều sinh hoạt thường ngày đều trên địa bàn xã Phú Xuân. Trong khi đó, đường đi duy nhất sang Phú Xuân chính là... lội sông. Bởi vậy nên hàng hóa, nông sản của bà con làm ra khó có thể vận chuyển về được, đành phải chịu thiệt bán giá rẻ cho tư thương. Mất giá là chuyện nhỏ, cái mất mát lớn hơn của bà con trong vùng chính là câu chuyện đi tìm cái chữ của con em họ.

“Cây cầu đoàn kết” - minh chứng sinh động về sức mạnh của sự đồng lòng.
“Cây cầu đoàn kết” - minh chứng sinh động về sức mạnh của sự đồng lòng.

Xã Ea Dăh cũng có trường học, nhưng khoảng cách từ thôn Xuân Hà 1 đến trường lại phải mất hàng chục cây số. Trong khi đó, từ Xuân Hà 1, chỉ cần vượt sông Krông Năng là đến ngay trường học ở xã Phú Xuân. Bà con nơi đây ai cũng là dân lao động, thời gian chủ yếu là dành vào việc rẫy nương, không có thời gian đưa đón con, nên giải pháp tối ưu để con biết chữ là chọn trường gần. Bởi vậy, mỗi ngày hàng chục cháu nhỏ phải lội sông từ Xuân Hà 1 sang xã Phú Xuân tìm con chữ với bao mối hiểm nguy luôn rình rập. Đã có không ít con em của bà con nông dân nơi đây đành phải bỏ dở chuyện học hành do giao thông trắc trở. Còn có những người quyết tâm cho con cái học hành thì lại luôn trĩu nặng những âu lo... Anh Trần Văn Trung, một người dân trong vùng cho biết: Con gái đầu của anh năm nay học hết lớp 5 thì anh cũng đã 5 năm, ngày hai lượt qua về trên sông để đưa đón con đi học. Có những đợt mưa lớn, nước sông chảy xiết, anh đã phải cho con cởi hết đồ gói vào bịch ni-lon, vừa bơi vừa dìu con qua sông đi học. “Nhiều khi thấy nguy hiểm quá, muốn con nghỉ học cho yên tâm, nhưng vì con bé ham học quá nên phải chiều cháu. Cho con đi học mà cứ nơm nớp lo...”- anh Trung tâm sự.

Cũng đoạn sông này, cách nay chừng một năm, chúng tôi đã phải từng bước dò dẫm giữa dòng nước chảy xiết để sang Xuân Hà 1 trong một chuyến công tác. Thực ra khi đó, bà con nơi đây cũng đã dùng “phà” làm phương tiện vận chuyển người và hàng hóa qua sông. Thế nhưng, “đen cho nhà báo là chiếc phà của bà con vừa mới bị nước cuốn trôi rồi...”, vẻ tiếc nuối của ông Nguyễn Ngọc Sơn, trưởng thôn Xuân Đạt khi ấy, giờ như chợt văng vẳng hiện về bên tai tôi.

Gọi là “phà” cho sang, nhưng thực ra đó chỉ là chiếc bè được người dân làm tạm bợ gồm 4 cái phuy cột lại với nhau, bên trên neo mấy tấm ván làm... mặt bằng. Chỉ cần một sợi dây được cột vắt ngang sông là người điều khiển có thể kéo “phà” qua lại hai bên bờ. Nhưng khổ nỗi, do được làm tạm bợ nên mối lo về mất an toàn luôn rình rập trên mỗi chuyến “phà”. Đã vậy, mỗi khi mưa xuống, nước sông chảy xiết lại cuốn phăng “phà” đi. Ông Sơn tâm sự: “Vẫn biết là nguy hiểm, nhưng vì cuộc sống nên bà con vẫn phải ngày mấy lượt qua về hai bên bờ sông. Đã bao đời nay, người dân thôn Xuân Đạt và Xuân Hà 1 vẫn phải sống trong điều kiện khó khăn với tâm trạng nơm nớp lo âu như vậy”. 

  “Đoàn kết là sức mạnh!”

Mong mỏi của bà con về một cây cầu cũng đã được chính quyền địa phương ghi nhận. Thế nhưng, lấy đâu ra kinh phí khi nguồn ngân sách của huyện, của tỉnh vẫn còn thiếu khó? Ông Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ: Nguyện vọng của bà con là chính đáng, nhưng rồi mọi người cũng phải hiểu và chia sẻ với khó khăn chung của địa phương. Bởi thực tế có rất nhiều nơi đời sống người dân còn gặp khó khăn hơn gấp bội, rất cần đến sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước...  

Quan điểm này của ông trưởng thôn Xuân Đạt đã “đả thông” được tư tưởng của bà con nông dân trong những buổi họp thôn. Và rồi, trong một cuộc họp dân đầu năm 2012, ông Sơn vô tình nghe được một người xì xầm bàn tán: “Nhà nước chưa làm được cầu thì dân ta tự làm!”. Nghĩ là có người bức xúc “nói khích”, ông Sơn buột miệng “dọa” lại: “Ai đồng ý bỏ tiền ra làm cầu thì xung phong”. Thật bất ngờ, cả hội trường rần rần giơ tay đồng ý. Sau cuộc họp đó, ông Sơn hội ý với chi bộ thôn rồi “phất cờ” kêu gọi nhân dân góp tiền làm cầu... 

Ông  Nguyễn Ngọc Sơn, trưởng thôn  Xuân Đạt  (người ngồi giữa)  kể lại chuyện  huy động vốn  làm cây cầu  đoàn kết.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, trưởng thôn Xuân Đạt (người ngồi giữa) kể lại chuyện huy động vốn làm cây cầu đoàn kết.

Việc huy động đóng góp của dân đã được ban tự quản thôn, chi bộ thống nhất, công khai trên tinh thần tự nguyện theo điều kiện kinh tế gia đình. Ai có đất ở bên kia sông thì đóng góp nhiều hơn, những người không có nhu cầu qua sông thì đóng ít, hoặc không cần phải đóng góp... Và chỉ trong một thời gian ngắn, cả thôn đã huy động được gần 100 triệu đồng để chuẩn bị cho việc khởi công xây cầu. Khi được hỏi về việc góp tiền làm cầu, bà Kiều Thị Thường không chút đắn đo, hồ hởi khoe: “Mặc dù gia đình tôi không nằm trong diện góp tiền, nhưng khi nghe tin dân mình tự đóng tiền làm cầu, tôi liền bàn với chồng xung phong ủng hộ ngay 4 triệu đồng. Dẫu số tiền này chẳng thấm tháp vào đâu nhưng đó là tấm lòng, là trách nhiệm với bà con cộng đồng, và đó cũng là một cách để xây dựng quê hương đất nước...”.

Ông Sơn kể: Khi có tiền rồi, ban tự quản thôn cắt cử ông Bùi Đình Công, cũng là người trong thôn, đảm nhận trách nhiệm thiết kế và chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật. Bởi ông Công nguyên là công nhân xây dựng Công ty Xây dựng Thủy lợi 1 Bình Trị Thiên nên cũng có chút “nghề”, như vậy sẽ đỡ tốn tiền thuê kiến trúc sư. Bắt tay vào việc, ông Công đã phải tự bỏ tiền túi đi tham quan, khảo sát mô hình khắp nơi, sau đó về bàn bạc với chúng tôi và thống nhất với thiết kế là cầu treo bán kiên cố với tên tạm gọi là “cây cầu treo đoàn kết”.

Giải thích với chúng tôi về tên gọi “cây cầu đoàn kết”, ông Sơn cười rồi “bật mí”: “Chúng tôi chỉ mới tạm gọi vậy thôi chứ cây cầu chưa có tên chính thức đâu! Mọi người đặt như vậy để thể hiện tinh thần đoàn kết của người Xuân Đạt và Xuân Hà 1 được kết tinh bằng cây cầu này. Bác Hồ đã từng dạy: Đoàn kết là sức mạnh! Mà thật, chỉ có tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm tự thân của mỗi người, mỗi nhà chúng tôi mới có thể làm được cây cầu ý nghĩa này...!”.      

Dưới sự chỉ huy của ông Công, cây cầu được chính thức khai móng vào đầu tháng 3-2012. Chịu trách nhiệm thi công công trình này toàn là những người nông dân chân đất trong thôn. Kể từ khi khởi công, cả thôn Xuân Đạt như một công trường. Mọi người ai cũng sắp xếp thời gian góp công vào việc làm cầu. Người đào móng, người đúc trụ, người kéo cáp..., không khí vô cùng khẩn trương, sôi nổi. Theo “báo cáo hoàn công” của trưởng thôn Nguyễn Ngọc Sơn, công trình “cây cầu đoàn kết” đã hoàn thành đúng tiến độ trong khoảng thời gian hơn 2 tháng. Công trình “cây cầu đoàn kết” có tổng chiều dài 70m, rộng 1,6m với tổng kinh phí xây dựng gần 100 triệu đồng và 300 ngày công lao động, hoàn toàn do người dân đóng góp. Cây cầu được đưa vào sử dụng sẽ giúp việc lưu thông hàng trăm tấn nông sản và hàng chục ngàn lượt người qua lại mỗi năm của người dân sống dọc hai bên bờ sông thuộc Xuân Đạt, Xuân Thái 1 và các thôn lân cận...

Ngày “cây cầu đoàn kết” chính thức khánh thành, đông đảo người dân thôn Xuân Đạt và Xuân Hà 1 đã ôm chầm nhau vui mừng đến vỡ òa nước mắt. Kể từ đây, dòng Krông Năng hung hãn mỗi khi mùa mưa đến sẽ không còn là “cái cớ” để tư thương ép giá nông sản của bà con; nó cũng không còn là trở lực ngăn bước con em người dân ở đây đến trường. Và hơn hết, cây cầu chính là minh chứng hiện hữu cho tinh thần đoàn kết, ý chí tự thân, quyết tâm vượt khó của người dân vùng sâu.

Người dân nơi đây đã khóc trong niềm hạnh phúc trào dâng theo từng bước chân kiêu hãnh đặt lên “cây cầu đoàn kết”– công trình do chính bàn tay, khối óc của họ làm nên. Hòa trong niềm hân hoan chung đó, khi nhẹ bước trên cây cầu này chúng tôi cũng mang tâm trạng lâng lâng, bồng bềnh một niềm vui khó tả!...

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc