Multimedia Đọc Báo in

Vườn Quốc gia Yok Đôn lại bị “xẻ thịt”

15:07, 05/08/2012
Hàng chục cây gỗ quý cổ thụ tại Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn lại vừa bị lâm tặc ngang nhiên xẻ thịt. Hiện trường cho thấy gỗ quý bị đốn hạ diễn ra trong một thời gian dài, mà kiểm lâm ở đây không hề... hay biết!
 
Ngang nhiên phá rừng
 
Ngày 2-8, Nhận tin báo của quần chúng về việc hàng chục cây gỗ cổ thụ quý hiếm thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn vừa bị lâm tặc đốn hạ, chúng tôi lập tức lên đường. Sau nhiều giờ đồng hồ “đánh vật” xuyên rừng, nhóm phóng viên chúng tôi cũng tiếp cận được Tiểu khu 484 - địa điểm mà bọn lâm tặc vừa tổ chức khai thác gỗ quý với hàng loạt cây  căm xe, giáng hương (nhóm II và IIA)  bị  đốn hạ, cành lá vẫn còn xanh tươi. Đi rộng ra trong vòng bán kính chưa đến 100, nhóm chúng tôi đếm được trên 20 cây gỗ quý cổ thụ (đường kinh từ 50 - 80cm) mới bị lâm tặc đốn hạ, vết cắt còn mới. Nhiều cây có đề bút lục kiểm đếm và ghi ngày phát hiện: ĐKT 1-8-2012 – T3 KT (tức đã kiểm tra 1/8/2012, trạm số 3 kiểm tra – PV). Xung quanh đó, còn rất nhiều cây gỗ quý cổ thụ đường kính 60 -70cm nằm ngổn ngang chưa được kiểm lâm kiểm tra, đánh số, những phần “ngon” nhất của cây gỗ đã bị lấy mất. 
 
Chỉ vào một cây căm xe có đường kinh khoảng 70cm “người dẫn đường” cho chúng tôi cho biết: “ngày hôm qua cây này mới bị lâm tặc đốn hạ, chúng chưa kịp lấy đi khúc gỗ nào, nhưng hôm nay đã bị lấy mất phần gỗ tốt nhất rồi”. 
Hiện trường một cây gỗ quý bị đốn hạ
Hiện trường một số cây gỗ quý bị đốn hạ
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều dấu tích tại hiện trường như bếp lửa còn mới, can đựng nước, vỏ đồ hộp vứt lăn lóc… chứng tỏ bọn lâm tặc đã tổ chức khai thác gỗ quý tại đây trong một thời gian tương đối dài, sau đó mới xẻ hộp để vận chuyển ra ngoài.
Mặc dù không có thời gian và sợ bị lạc, nhóm chúng tôi vẫn “liều” đi sâu hơn vào các tiểu khu 484, 477 và phát hiện thêm nhiều hiện trường khai thác gỗ lậu khác và kịp đếm được ít nhất đã có trên 50 cây gỗ quý như căm xe, giáng hương cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ. 
Gỗ được xẻ hộp ngay tại rừng, nhưng lâm tặc chưa kịp lấy đi
Số gỗ được xẻ hộp ngay tại rừng lâm tặc chưa kịp lấy đi
 
Theo như vết tích để lại, nhiều khả năng số cây cổ thụ trên bị đốn hạ trong thời gian khoảng cuối tháng 7-2012. Nhiều cây gỗ quý bị lâm tặc đốn hạ, cắt lóng nhưng chưa kịp xẻ hộp để vận chuyển ra khỏi rừng. Chỉ vào một vạt rừng cây cỏ bị dẫm đạp nát nhừ, người dẫn đường quả quyết: “đây là địa điểm tập kết gỗ lậu của lâm tặc. Ngay trong ngày 1-8, nơi đây còn là nơi tập kết hàng chục phách gỗ nhưng hôm nay đã không còn. Chắc chắn lâm tặc sẽ còn quay lại để lấy nốt mấy khúc gỗ của những cây mới đốn này”. 
Với số gốc cổ thụ vừa đếm được, chúng tôi ước tính đã có gần 50m3 gỗ quý bị lâm tặc lấy đi. Và từ những gì được tận mắt chứng kiến, chúng tôi nghĩ có vẻ như lực lượng kiểm lâm ở đây đã bị tê liệt hoàn toàn, để mặc lâm tặc lộng hành, tự do lấy gỗ quý trong rừng cấm lớn nhất nước như trong vườn nhà mình. 
 
Kiểm lâm chỉ biết đo đếm, đánh số, ghi ngày phát hiện?!
 
Chiều 2/8, làm việc với nhóm phóng viên, ông Trần Văn Thành, quyền Giám đốc VQG Yok Đôn cho biết: “Ngày nào chúng tôi cũng phát hiện lâm tặc đốn hạ gỗ quý. Tính riêng từ nửa tháng 7 đến nay chúng tôi phát hiện và xử lý hơn 30 vụ chặt gỗ quý, trung bình mỗi ngày 2 vụ. Số gỗ quý bị lấy đi ước tính hơn 50m3”. Tuy nhiên, từ thực tế vừa được chứng kiến sau chuyến lội rừng, chúng tôi lại nghĩ, chức năng của lực lượng kiểm lâm tại đây dường như chỉ đơn giản là đi đếm gốc, đánh số, ghi ngày phát hiện, sau đó tổ chức thu gom số gỗ lâm tặc vứt lại làm tang vật chờ xử lý. Còn các biện pháp để ngăn chặn, hạn chế hay xử lý việc lâm tặc vào rừng cấm ngang nhiên đốn hạ gỗ quý thì gần như không mấy hiệu quả. 
Một cây gỗ quý bị lâm tặc đốn hạ với phần ngọn còn xanh tươi - ảnh chụp ngày 2-8
Một cây gỗ quý bị lâm tặc đốn hạ với phần ngọn còn xanh tươi - ảnh chụp ngày 2-8
Theo ông Thành, ngoài các nguyên nhân khách quan, thì  tình trạng mất rừng cũng có rất nhiều nguyên nhân chủ quan, đó là do công tác quản lý bị buông lỏng, nhiều dấu hiệu cho thấy có sự tiếp tay của cán bộ kiểm lâm trong các vụ phá rừng ở Yok Đôn. Mặt khác, sự phối hợp giữa VQY Yok Đôn và các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, công tác bảo vệ rừng gần như chỉ khoán trắng cho lực lượng kiểm lâm của Vườn nên không những không ngăn chặn được mà tình trạng phá rừng ở Yok Đôn ngày càng gay gắt hơn.
 
VQG Yok Đôn có diện tích hơn 115.000 ha, là khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất nước. Hiện nay, VQG Yok Đôn có biên chế 226 người, trong đó có 173 cán bộ kiểm lâm trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng; hệ thống trạm bảo vệ rừng, đường tuần tra cũng như phương tiện bảo vệ rừng được trang bị khá đầy đủ. Vậy nhưng, nhiều năm trở lại đây, VQG Yok Đôn luôn là điểm nóng về tình trạng vi phạp lâm luật. Với tốc độ phá rừng như hiện nay, nếu không sớm có những biện pháp giữ rừng hiệu quả, thì có lẽ một thời gian ngắn nữa thôi các loài gỗ quý ở VQG Yok Đôn sẽ bị lâm tặc “xẻ thịt” hết và biến khu rừng cấm này thành khu rừng rỗng ruột.
L.V
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.