Multimedia Đọc Báo in

Tầm nhìn từ núi Nà Nưa

10:27, 20/08/2020

Trong số gần 20 di tích, cụm di tích ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào – Tuyên Quang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp, cụm di tích lán Nà Nưa luôn có sức thu hút đặc biệt với du khách.

Khiêm nhường nép mình dưới  tán rừng xanh mát trên sườn núi Nà Nưa, những mái lá đơn sơ, bé nhỏ là nơi ghi dấu sự kiện lớn lao của dân tộc, của cách mạng Việt Nam. Nơi đây, Bác Hồ kính yêu đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

a
Lán Nà Nưa hết sức đơn sơ

Tận mắt quan sát Lán Nà Nưa và khung cảnh nơi đây, du khách không khỏi cảm phục tầm nhìn của Bác và Trung ương Đảng đã chọn vị trí vừa bảo đảm bí mật vừa bảo đảm yêu cầu “gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”; lại càng thêm xúc động về nếp sống giản dị của Bác. Lán làm bằng tre theo kiểu nhà sàn của người miền núi, chỉ rộng khoảng mươi mét vuông, ngăn đôi bởi tấm liếp tre đơn sơ, một bên Bác làm nơi nghỉ, một bên để làm việc và tiếp khách. Cuộc sống trong rừng lúc đó còn nhiều gian khó, Bác lại bị một trận ốm nặng, nhưng Người đã vượt qua với tinh thần làm việc và nghị lực thật phi thường. Từ căn lán nhỏ đơn sơ này, Người đã soạn thảo nhiều văn bản mang tầm chiến lược cho cách mạng.

a
Lán cảnh vệ với tầm nhìn bao quát khu vực

Ngay gần lán Nà Nưa, chỉ cách vài bước chân là là lán cảnh vệ. Cũng mái lá đơn sơ, nhưng lán có vị trí trọng yếu, án ngữ con đường mòn từ dưới làng lên và từ tỉnh Thái Nguyên sang. Lực lượng cảnh vệ bảo vệ Bác và các cơ quan Trung ương tại Tân Trào được biên chế thành các tiểu đội, đóng ở làng Tân Lập ngay dưới chân núi. Trong đó, tiểu đội cận vệ đặc biệt gồm 8 người, có nhiệm vụ kiểm soát tình hình an ninh trong khu vực, theo dõi người lạ mặt, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Bác và Trung ương Đảng, đưa đón, dẫn đường cho các đại biểu về dự hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào.

Chung quanh lán Bác ở còn có các lán điện đài, lán đồng minh, lán họp hội nghị cán bộ... được bố trí một cách khoa học, vừa bảo đảm bí mật vừa thuận tiện cho công việc. Ngày 4-6-1945, Bác triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội. Xác định tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội, Bác trao đổi với Thường vụ Trung ương quyết định họp ngay và không nên kéo dài hội nghị. Liên tiếp các ngày 14, 15-8, Bác chỉ đạo Hội nghị toàn quốc của Đảng, thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam, tiếp đến là tổ chức Quốc dân đại hội.

a
Di tích Đình Tân Trào

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác, ngày 16 và 17-8-1945, tại Đình Tân Trào đã diễn ra sự kiện trọng đại của dân tộc. Hơn 60 đại biểu đại diện các đảng phái chính trị, đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo cả ba miền Bắc, Trung, Nam và một số kiều bào ta ở nước ngoài tham dự Quốc dân Ðại hội và biểu thị quyết tâm tổng khởi nghĩa trong cả nước; thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và lập ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam do Bác Hồ làm Chủ tịch.

a
Du khách nghe thuyết minh về Quốc dân Đại hội bên trong Đình Tân Trào 

Sáng ngày 17-8-1945, Uỷ ban Giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân tại Đình Tân Trào. Hướng lên lá cờ đỏ sao vàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban Giải phóng dân tộc đọc lời tuyên thệ kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.

a
Di tích cây đa Tân Trào

Cũng ngay trong chiều 16-8, dưới gốc cây đa Tân Trào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Uỷ ban Khởi nghĩa Toàn quốc đọc Bản Quân Lệnh số 1 dưới sự chứng kiến của các đại biểu về dự Quốc dân Đại hội cùng đông đảo đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Ngay sau đó quân Việt Nam Giải phóng làm lễ xuất quân thẳng sang Thái Nguyên, tiến về giải phóng Hà Nội. 

a
Du khách tham quan lán Nà Nưa

Từ Lán Nà Nưa, Bác Hồ kính yêu đã đưa ra những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa đi đến thắng lợi, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ để người dân mọi miền đất nước hướng về với lòng tự hào và biết ơn sâu sắc.

Hoa Hồng

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.