Tài chính – Tiền tệ
Lãi suất vay nội tệ vẫn còn cao
7 tháng đầu năm 2010, dư nợ tín dụng trên địa bàn chỉ tăng hơn 9% so với đầu năm, đây là mức tăng trưởng khá thấp trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân kìm hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng thì nhiều, trong đó có một phần do lãi suất (LS) cho vay khá cao, DN không “kham” nổi.
Diễn biến trên thị trường cho thấy, trong thời gian gần 1 tháng trở lại đây, hầu hết NH, nhất là khối thương mại Nhà nước đã tiếp tục giảm LS cho vay nội tệ, dù chi phí đầu vào chưa thể mạnh tay cắt giảm. Ở tỉnh ta, mặt bằng LS phổ biến đang được áp dụng hiện nay dao động ở mức 13,5%-15%/năm. LS cho vay tiêu dùng có phần cao hơn, khoảng 15%-17%. Riêng các lĩnh vực ưu tiên (xuất nhập khẩu, DN nhỏ và vừa, nông nghiệp nông thôn) hoặc các khách hàng truyền thống, uy tín, sử dụng nhiều dịch vụ của NH cho vay thì được áp dụng mức LS thấp hơn. Theo phản ánh của các DN, mặc dù có giảm nhưng mức LS trên địa bàn vẫn còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Theo số liệu tổng hợp của NHNN Việt Nam, trong tuần đầu của tháng 8-2010, LS cho vay bằng đồng Việt Nam bình quân của cả nước đã giảm đáng kể. Cụ thể, đối với nhóm NHTM Nhà nước, LS cho vay ngắn hạn dao động ở mức 13%-14%/năm; trung, dài hạn khoảng 13,5%-14,5%/năm. Đối với nhóm NHTM cổ phần thì LS có phần cao hơn, vay ngắn hạn khoảng 14%-14,5%; trung, dài hạn phổ biến ở mức 14,5%-15%/năm. Riêng các lĩnh vực ưu tiên có mức LS thấp hơn khoảng 1%-2% so với LS của các khoản vay thông thường.
Sản xuất gỗ ở Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Trường Thành. |
Từ đầu năm đến nay, LS tiền vay luôn ở mức cao, vượt quá mức lợi nhuận kiếm được khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN trở nên khó khăn hơn. Nguồn vốn chính phục vụ cho hoạt động của DN tỉnh ta là vốn vay NH nên khi không dám vay vốn NH cũng đồng nghĩa là các DN không có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạm trữ hàng hóa chờ được giá. Mặt khác, nhiều nước trên thế giới, nhất là một số nước châu Âu đang đối diện với tình trạng khủng hoảng nợ công, dẫn đến việc ngừng hoặc giảm nhập khẩu một số loại hàng hóa cũng đang tác động tiêu cực đến một bộ phận DN xuất khẩu của Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng. Theo Tổng Cục Thống kê, chỉ số hàng tồn kho tính đến cuối tháng 6-2010 tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, các DN đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết bài toán đầu ra của sản phẩm nên rất có khả năng, trong 5 tháng cuối năm 2010, nếu LS vẫn ở mức cao thì nhu cầu hấp thụ nguồn vốn lớn để tăng quy mô sản xuất là khó xảy ra.
Theo ý kiến của các DN, nhiều khả năng lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát ở mức đúng với mục tiêu đã đặt ra. Vì thế, để kích thích DN mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như tăng trưởng dư nợ tín dụng trong bối cảnh hiện nay, giảm LS cho vay nội tệ là yếu tố cần cho cả DN lẫn NH.
Ý kiến bạn đọc