Multimedia Đọc Báo in

Vì sao giá USD “phi mã”?

16:52, 25/11/2010

Khoảng trung tuần tháng 10-2010 đến nay, giá USD tiếp tục leo thang liên tiếp trên thị trường tự do, có thời điểm lên đến 21.000 đồng/USD, tạo một khoảng cách rất lớn giữa tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá  do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố…

Những ngày vừa qua, thị trường USD trong nước đã có những diễn biến đầy kịch tính. Cụ thể, ngày 2-11-2010, giá USD thị trường tự do leo thang vùn vụt từ đầu giờ chiều, lên đến đỉnh điểm là 20.920 đồng/USD. Theo các chuyên gia tài chính, tình hình biến động tỷ giá ở nước ta phát sinh không phải mới đây mà đã xảy ra nhiều lần. Gần nhất là vào tháng 10, 11-2009, có lúc tỷ giá thị trường tự do lên tới 20.000 đồng/USD, khiến NHNN đã phải can thiệp. Qua phân tích cho thấy, tỷ giá USD tăng có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nạn đầu cơ lũng đoạn thị trường, người dân có tâm lý găm giữ ngoại tệ với kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng để  hưởng chênh lệch, lo sợ đồng nội tệ mất giá nên chuyển sang mua USD…  Điều này cũng dễ hiểu bởi tỷ giá ngoại tệ đang diễn biến rất phức tạp theo chiều hướng hai giá, giá “chợ đen” tăng cao hơn so với giá niêm yết chính thức của NHNN công bố khoảng 1.000 đồng/USD. Tỷ giá USD tăng cao khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lao đao, nhất là doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa do không mua được ngoại tệ từ các NHTM,  vì các ngân hàng chỉ bán và cho vay các doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngân hàng cho doanh nghiệp vay, mua ngoại tệ bằng USD sau khi xuất khẩu thu USD về, doanh nghiệp phải cam kết bán lại cho ngân hàng. Nếu không cân đối được, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phải tìm đến thị trường tự do để mua USD với giá chênh lệch rất cao. Một khi nắm giữ USD có lợi hơn nội tệ thì người dân càng găm giữ, đầu cơ.  Cứ như vậy, USD trở nên khan hiếm, giá càng bị đẩy lên cao ở thị trường tự do.

 

Giá USD trên thị trường tự do không ngừng tăng khiến chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và thị trường chính thức ngày càng rộng, đã gây những tác hại không nhỏ cho nền kinh tế. Hiện, NHNN hàng ngày vẫn công bố tỷ giá liên ngân hàng là 18.932 đồng, theo đó các NHTM sẽ giao dịch trong biên độ 3%, tức mua bán tối đa 19.500 đồng/USD. Tuy nhiên, khi tỷ giá trên thị trường tự do biến động lên tới 21.000 đồng, lập tức những giao dịch trong thị trường có tổ chức cũng biến động theo, và gần như các NHTM không mua bán đúng theo tỷ giá niêm yết, mà giao dịch thêm các khoản phí khác làm thị trường xáo trộn và không phản ánh trung thực tỷ giá niêm yết. Các chuyên gia tài chính đề nghị, cần có những giải pháp cấp bách, kể cả biện pháp kinh tế lẫn hành chính thì mới mong giải quyết được tình hình phức tạp về ngoại tệ hiện nay. Theo đó, NHNN cần kết hợp giữa việc điều chỉnh, tỷ giá và tiếp tục thực hiện kết hối ngoại tệ của các doanh nghiệp, cùng với hạn chế việc mua, mang, chuyển thanh toán của các giao dịch tài khoản vãng lai, tài khoản vốn để bình ổn thị trường; sử dụng nguồn ngoại tệ dự trữ quốc gia can thiệp vào thị trường để giải quyết tình trạng USD hóa ở thị trường Việt Nam; đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát chống đầu cơ…, lập lại trật tự của thị trường nhằm ổn định tiền tệ và niềm tin cho người dân. Còn về lâu dài, nên “siết” lãi suất huy động USD để hạn chế việc găm giữ ngoại tệ. Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa thực hiện một cuộc thống kê chọn mẫu cho thấy, lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cư trong hệ thống ngân hàng thương mại là rất lớn, chiếm khoảng 50% - 60%  tổng số tiền gửi ngoại tệ. Hiện, lãi suất huy động USD vẫn đang ở mức trên dưới 5%/năm, cần phải kéo xuống. Khi gửi tiền đồng Việt Nam được hưởng mức lãi suất cao hơn, người dân sẽ không mua hoặc găm giữ USD nữa, như vậy sẽ có sự dịch chuyển lớn từ USD sang đồng Việt Nam, và khi nhu cầu USD giảm, tất nhiên tỷ giá sẽ giảm theo.
Chi nhánh NHNN Dak Lak cho biết, lãi suất huy động USD tháng 10-2010 tăng từ 0,2%-0,5%/năm so với tháng 9-2010 (chủ yếu ở các kỳ hạn 3, 6 và 12 tháng). Đến cuối tháng 10-2010, lãi suất huy động USD tại các NHTMCP phổ biến ở các mức: 0,1%-0,5%/năm (không kỳ hạn), 2,6%-4,8%/năm (kỳ hạn 3 tháng), 3,1%-4,9%/năm (6 tháng) và 3,9%-5,2%/năm (12 tháng); tại các NHTM Nhà nước thì mức lãi suất này có thấp hơn.

L.N


Ý kiến bạn đọc