Giải pháp nào để chấm dứt tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế?
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi), cơn sốt vàng vừa qua không phải do yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước bất ổn mà vì giới đầu cơ tạo sóng, làm căng thẳng thị trường tiền tệ trong thời gian ngắn và tác động thay đổi tỷ giá. Thực tế này cần phải nhanh chóng chấm dứt.
Ảnh minh họa |
Cũng theo Vafi, việc cho phép thành lập sàn giao dịch vàng tập trung dưới sự quản lý của NHNN chỉ khác so với các sàn giao dịch vàng tự do trước đây ở chỗ thống nhất lại thành 1 sàn vàng, hoạt động theo quy định của Nhà nước. Vì vậy, sàn giao dịch vàng tập trung sẽ không ngăn chặn tình trạng lỗ nặng của người đầu tư. Về đề xuất tiếp tục cho phép hệ thống ngân hàng thương mại được vay vàng của dân và bán số vàng đã huy động cũng không phù hợp. Bởi vì, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vay vàng chuyển thành đồng Việt Nam hoặc USD đưa vào sản xuất kinh doanh là cực kỳ nguy hiểm, không ai có thể dự đoán được sự biến động của giá vàng, kể cả các tổ chức kinh doanh vàng trong nước. Hơn nữa, còn duy trì quan hệ vay mượn tức là còn thị trường vàng. Riêng đề xuất cho phép doanh nghiệp kinh doanh vàng được tự do xuất nhập khẩu vàng mà không cần giấy phép càng không phù hợp. Bởi lẽ, hàng hóa thông thường như ximăng, sắt thép, phân bón….đang được tự do xuất nhập khẩu mà thỉnh thoảng còn xảy ra những cơn sốt. Trong khi đó, vàng là hàng hóa đặc biệt, kinh doanh vàng là kinh doanh tiền tệ, chỉ cần 1 cơn sốt như vừa qua thôi đã gây ra nhiều hậu quả.
Chính các lý do trên, thực hiện cấm mua bán vàng miếng hoặc chỉ có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chức năng thu mua vàng miếng từ khu vực dân cư (thông qua hệ thống đại lý được cấp phép) là cần thiết. Theo Vafi, trong quản lý kinh tế, cấm kinh doanh những ngành nghề có hại cho nền kinh tế là chuyện đương nhiên, không thể có sự tự do kinh doanh ở những lĩnh vực nhạy cảm để rồi cơ quan quản lý nhà nước trở nên bất lực. Và, hậu quả là tất cả người dân chịu thiệt, kể cả những người đầu tư vàng, ngoại tệ.
L.N
Ý kiến bạn đọc