Multimedia Đọc Báo in

Lập lại trật tự lãi suất huy động: Cách nào?

09:38, 30/09/2011

Từ khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Chỉ thị 02 chấn chỉnh việc thực hiện quy định về lãi suất huy động và mạnh tay xử lý các tổ chức tín dụng vi phạm, thị trường huy động dường như trật tự hơn, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ “dậy sóng”…
   
Liền sau khi ban hành Chỉ thị 02 (ngày 7-9-2011), NHNN đã mạnh tay xử lý 2 ngân hàng về hành vi trả lãi suất cho khách hàng gửi tiền vượt trần 14%/năm. Động thái tích cực này đã góp phần đáng kể trong việc lập lại trật tự trên thị trường huy động vốn. Mấy ngày qua, trong vai khách hàng đi gửi tiết kiệm, chúng tôi đã đặt vấn đề thỏa thuận lãi suất nhưng tất cả các ngân hàng đều từ chối trả lãi suất cao, dù trong số này có ngân hàng đang gặp khó khăn về huy động do khách hàng liên tục rút tiền. Số liệu tổng hợp từ một số ngân hàng cho thấy: hiện tại, trên thị trường huy động vốn đang diễn ra sự dịch chuyển khá mạnh, khách hàng rút tiền từ ngân hàng nhỏ sang gửi ở ngân hàng lớn. Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn cho biết, nguồn vốn huy động của chi nhánh liên tục tụt giảm trong những ngày qua, trung bình mỗi ngày vài tỷ đồng. Dò hỏi thì khách hàng bảo rằng lãi suất huy động quá thấp nên rút tiền sang mua vàng, USD, nhưng thực chất là họ rút đi gửi ở những ngân hàng có quy mô lớn, uy tín, dịch vụ đa dạng, chế độ chăm sóc khách hàng tốt… Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, phần lớn các chi nhánh ngân hàng có quy mô nhỏ cũng đã và đang rơi vào tình trạng này. Dư luận nhìn nhận, từ khi lãi suất được đưa về mẫu số chung, các ngân hàng đã có một sân chơi công bằng, lành mạnh hơn. Bởi, việc khống chế lãi suất trần sẽ ngăn ngừa được những nguy cơ rủi ro cho toàn hệ thống khi các ngân hàng không còn phải chạy đua nâng lãi suất để giữ chân khách hàng lớn. Chính lúc này, chất lượng dịch vụ sẽ trở thành yếu tố then chốt trong việc thu hút khách hàng. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý, điều hành phù hợp thì nguy cơ “lách” trần lãi suất huy động sẽ lại tiếp diễn. Minh chứng là trong thời gian gần đây, phần lớn ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất kịch trần cho hầu hết các kỳ hạn tiền gửi, từ 1 tuần đến 12 tháng hoặc thậm chí cao hơn đều có lãi suất 14%/năm, cá biệt có những ngân hàng đưa ra mức lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài…

Khách hàng gửi tiết kiệm tại Phòng Giao dịch Ea Kar, Vietinbank Dak Lak  (Ảnh minh họa)
Khách hàng gửi tiết kiệm tại Phòng Giao dịch Ea Kar, Vietinbank Dak Lak (Ảnh minh họa)
Một chuyên gia tài chính cho biết, nhiều nước trên thế giới, tiền gửi thanh toán hoặc tiết kiệm một vài ngày thường không được tính lãi suất vì dòng vốn này dịch chuyển nhanh và biến động liên tục. Thậm chí, các ngân hàng nước ngoài còn tính phí đối với những khoản tiền gửi ngắn hạn này. Chính vì thế, việc các ngân hàng đẩy lãi suất ngắn hạn lên cao sẽ tiềm ẩn rủi ro làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân đối giữa cơ cấu huy động vốn và cho vay của các ngân hàng. Điều nguy hiểm hơn, việc duy trì các sản phẩm huy động vốn kỳ hạn ngắn với lãi suất cao như trên sẽ hình thành tâm lý không tốt, khách hàng thích gửi kỳ hạn ngắn thay vì gửi dài hạn vừa không được hưởng thêm lãi suất, vừa khó chủ động trong sử dụng vốn. Bản chất của tiền gửi kỳ hạn ngày, tuần hoặc tiền gửi thanh toán là tiền gửi không kỳ hạn. Đây là nguồn vốn chỉ có ý nghĩa đem lại giá trị “làm mềm” cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng do yếu tố linh hoạt của chúng đứng bên cạnh sự cứng nhắc của các loại tiền gửi có kỳ hạn. Tuy nhiên, nếu chúng chiếm tỷ trọng quá lớn thì tính “lỏng” của nguồn vốn cũng rất cao. Kinh doanh trong tình trạng dòng vốn “chập chờn” như vậy không những làm cho ngân hàng khó xây dựng kế hoạch tài chính mà còn đe dọa thanh khoản của họ bất cứ lúc nào. Để khắc phục tình trạng này, ngày 28-9-2011, NHNN đã ban hành Thông tư số 30 quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VNĐ) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, từ ngày 1-10-2011, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 14%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 14,5%/năm. Mức lãi suất này đã bao gồm các khoản chi khuyến mại được phép; áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ. Thông tư trên cũng quy định rõ, đối với lãi suất tiền gửi bằng VNĐ có kỳ hạn phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được thực hiện cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi thì TCTD ấn định lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Thông tư này.

Có thể thấy rằng, việc NHNN ban hành Thông tư 30 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, có ý nghĩa quan trọng góp phần đưa đường cong lãi suất về đúng bản chất “gửi càng dài lãi suất càng cao” của nó. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều TCTD, khó có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, Thông tư trên đã hoàn toàn “bịt” được đường lách luật của một số ngân hàng. Chính vì thế, nhiều ngân hàng đề nghị, NHNN nên xem xét áp dụng trần lãi suất cho vay thay cho trần lãi suất huy động hiện nay, bởi mỗi ngân hàng có những thế mạnh riêng nên  có thể tự cân đối để trả lãi suất tiền gửi cao hơn cho khách hàng nhằm hút vốn. Và khi khống chế trần lãi suất cho vay, NHNN cũng phải quy định rõ việc có hay không cho phép các ngân hàng thu một số loại phí liên quan như thẩm định, quản lý tài sản… nhằm tránh tình trạng các ngân hàng nâng lãi suất cho vay bằng việc thu thêm phí.

Trần Sáu

Ý kiến bạn đọc