Multimedia Đọc Báo in

Vay vốn lãi suất thấp – Chuyện không dễ!

10:50, 07/10/2011

Từ cuối tháng 8-2011 đến nay, ngoài việc đồng loạt hạ lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam (VNĐ) theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại (NHTM) còn dành nhiều khoản vốn cho vay với lãi suất ưu đãi, có nơi chỉ còn 15%/năm. Tuy nhiên, khách hàng muốn tiếp cận được nguồn vốn này không phải là chuyện đơn giản.

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết NHTM đã công bố các gói tín dụng bằng VNĐ với lãi suất tương đối thấp so với trước đây. Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) hiện có ít nhất 2 gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, trong đó có gói tín dụng bổ sung 4.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và thủy sản vay với mức lãi suất 16%/năm. Tương tự, Ngân hàng ĐT-PT (BIDV) cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 1,5%-2%/năm so với mức lãi suất phổ biến trên thị trường. Cụ thể, đối với cho vay bằng VNĐ, ngắn hạn không quá 18%/năm, trung, dài hạn không quá 19%/năm. Riêng vay kinh doanh chứng khoán, bất động sản lãi suất tối thiểu 19%/năm (ngắn hạn) và 19,5%/năm (trung, dài hạn). Ngoài ra, BIDV còn dành 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, lãi suất từ 15%-17,5%/năm đối với khách hàng hoạt động các lĩnh vực thu mua nông, thủy sản xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa... Tại Ngân hàng NN-PTNT (Agribank), cùng với việc giảm lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn xuống mức 17%-19%/năm, đơn vị này còn bổ sung 15.000 tỷ đồng cho hộ sản xuất, doanh nghiệp vay thu mua chế biến lương thực, thủy sản, cà phê xuất khẩu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Còn tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), ngoài chương trình dành 2.000 tỷ đồng tài trợ các doanh nghiệp xuất khẩu với lãi suất ưu đãi đã triển khai từ đầu tháng 7-2011, đơn vị này còn dành tiếp 3.000 tỷ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vay bổ sung vốn hoạt động với lãi suất 18%/năm, thời hạn vay tối đa là 6 tháng.

Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch Ea Kar, Vietinbank Dak Lak.
Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch Ea Kar, Vietinbank Dak Lak.
Theo phản ánh của một số khách hàng, dù những gói tín dụng lãi suất ưu đãi liên tục được các ngân hàng tung ra nhưng tính đến nay, rất ít doanh nghiệp vay được nguồn vốn giá rẻ này. “Rào cản” lớn nhất hiện nay vẫn là điều kiện vay vốn do các ngân hàng đưa ra. Nhìn chung, muốn vay được vốn, khách hàng phải đáp ứng các điều kiện: dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất kinh doanh phải khả thi; khách hàng phải thuộc đối tượng sản xuất kinh doanh có lãi hoặc được ngân hàng đánh giá là khách hàng loại A (có uy tín); sử dụng trọn gói dịch vụ của ngân hàng cho vay (thanh toán, chuyển tiền…); cam kết bán lại cho ngân hàng có vốn cho vay khoản ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu… “Từ đầu năm đến nay, phần lớn doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng nên sản xuất, kinh doanh huề vốn đã khó, nói gì đến lợi nhuận. Cũng chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp chậm trễ trong trả nợ vay, bị ngân hàng xếp vào loại khách hàng không uy tín nên rất khó thuyết phục ngân hàng để vay vốn” - giám đốc một doanh nghiệp ngành gỗ tâm sự. Về vấn đề này, lãnh đạo nhiều NHTM cũng thừa nhận, hiện nay việc giải ngân cho vay các gói tín dụng lãi suất thấp rất chậm, thậm chí  “dẫm chân tại chỗ” do việc này mới triển khai trong thời gian ngắn. Hơn nữa, chính vì lãi suất thấp, mang tính hỗ trợ doanh nghiệp là chính nên các ngân hàng phải chọn lựa khách hàng kỹ lưỡng hơn nên không phải khách hàng nào cũng có thể vay được. Phó Giám đốc một chi nhánh NHTM cổ phần trên địa bàn cho biết: “Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2011 của chi nhánh được giao đến vài trăm tỷ đồng, vừa qua, ngân hàng mẹ lại giao tiếp mấy chục tỷ đồng để cho vay lãi suất ưu đãi, nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng nào. Có một thực tế là nhiều khách hàng đủ điều kiện thì không có nhu cầu vay vốn hoặc chờ lãi suất giảm thêm, còn khách hàng muốn vay vốn thì không đáp ứng được các tiêu chí cần thiết nên rất khó cho vay mới”.

Theo số liệu tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Dak Lak, tính đến ngày 15-9-2011, tổng nguồn vốn huy động đạt 15.300 tỷ đồng, tăng 26%; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 29.460 tỷ đồng, tăng 1,29% so với đầu năm. Nhiều khách hàng dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ còn “ì ạch” nếu ngay từ bây giờ, các cấp, ngành liên quan không có biện pháp tháo gỡ phù hợp.

Lê Ngọc

Ý kiến bạn đọc