Multimedia Đọc Báo in

Tăng thuế tài nguyên gắn với nâng cao hiệu quả quản lý

09:20, 23/08/2013

Tại buổi họp cuối của phiên họp thứ 20 diễn ra sáng 21-8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa đồng thuận với mức thuế tài nguyên mà Chính phủ đưa ra theo hướng tăng thuế suất.

Khai thác cát ở sông Krông Ana, huyện Krông Ana (ảnh minh họa)
Khai thác cát ở sông Krông Ana, huyện Krông Ana (ảnh minh họa)

Việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế tài nguyên được Chính phủ thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị ban hành năm 2011, về định hướng chiến lược khai thác khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 .

Cụ thể, thuế suất của nhóm khoáng sản kim loại thì thuế khai thác sắt tăng từ 10% lên 13%, titan từ 11% lên 16%, vàng từ 15% lên 22%, đồng từ 10% lên 15%… Đối với nhóm khoáng sản không kim loại, tăng theo tỷ lệ: đá, sỏi tăng từ 6% lên 7%, cát từ 10% lên 11%, đất làm gạch từ 7% lên 10%, than từ 5% - 7% lên 7% - 9%. Các nhóm không điều chỉnh thuế suất là nhóm sản phẩm của rừng tự nhiên, nhóm hải sản tự nhiên, yến sào thiên nhiên, dầu thô và khí thiên nhiên, khí than.

Việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế tài nguyên nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; là công cụ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động khai thác tài nguyên theo quy định của pháp luật. Việc điều chỉnh mức thuế suất cũng giúp thu cho ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 2.279 tỷ đồng (với giả thiết số thu thuế của các loại tài nguyên khác không thay đổi). Theo Bộ Tài chính, năm 2012, thuế tài nguyên đã mang lại cho ngân sách nhà nước là 41.313 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hoàng Anh Tuấn cho rằng mức thuế suất mới được xây dựng trên cơ sở doanh số thu trong 3 năm qua của các doanh nghiệp khai thác, chỉ làm doanh nghiệp giảm lãi chứ không gây lỗ vốn.

Về phía cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhìn chung đồng tình với đề xuất của Chính phủ nhằm bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất nước. Tuy nhiên đa số ý kiến phát biểu của ủy viên UBTVQH chưa đồng tình với mức tăng mà Chính phủ đề xuất. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhìn nhận: “tổng số tiền thuế tăng lên được hơn 2.000 tỷ đồng là tác động lớn đối với ngân sách. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là việc khai thác khoáng sản phải được quy hoạch, thực hiện theo kế hoạch rất chặt chẽ và khâu then chốt nhất là công tác cấp phép cho khai thác khoáng sản”.

Kết luận phiên họp, UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục bàn thảo, nghiên cứu và thống nhất phương án hiệu quả nhất, trước khi trình lại vào phiên họp tới.

Theo Chinhphu.vn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.