Thị trường Tết Trung thu: Sôi động “giờ G”
Thị trường Tết Trung thu vốn trầm lắng cả tháng qua chợt trở nên sôi động vào đúng dịp rằm. Ngày 21-9, tức là ngày 14-8 âm lịch, sức tiêu thụ bánh trung thu tăng đột biến với doanh số bán hàng cao gấp nhiều lần những ngày trước đó.
Linh hoạt phương thức tiếp thị sản phẩm
Mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất vẫn là bánh trung thu của các hãng có uy tín, thương hiệu nổi tiếng trong nước như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… Bên cạnh đó, sản phẩm bánh trung thu của một số cơ sở kinh doanh thực phẩm có uy tín tại địa phương như Hà Nội, Thành Phát, Minh Tâm, Bảo Hương … cũng được người tiêu dùng chọn lựa. Theo quan sát của phóng viên, bánh trung thu năm nay có giá cao hơn năm trước từ 10-20%, nhưng bánh bày bán trên thị trường tỉnh chủ yếu thuộc dòng sản phẩm bình dân, phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của người tiêu dùng; các nhà sản xuất, phân phối cũng khá năng động, sang tạo trong việc xây dựng, tiếp thị sản phẩm nên vẫn thu hút được khách hàng. Theo giới kinh doanh, vào mỗi dịp lễ tết, việc tăng mạnh sức mua vào giờ chót là khá bình thường, phù hợp quy luật thị trường và tâm lý người tiêu dùng, dù ít dù nhiều ai cũng muốn được thưởng thức hương vị tết, nhất là tết trẻ em lại càng được ưu tiên. Do đó, các nhà phân phối đều chủ động nguồn hàng, bảo đảm cung ứng cho thị trường. Điểm phân phối bánh trung thu Bảo Hương trên đường Lê Thánh Tông (TP. Buôn Ma Thuột) trong ngày 21-9 đã tiêu thụ lượng hàng bằng cả tuần qua. Chủ đại lý phân phối Phương An ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) nhận xét: Người tiêu dùng lẫn người bán đã không còn mặn mà với những dòng sản phẩm đặc biệt có giá thành cao mà thay vào đó là sự lựa chọn những dòng bánh bình dân. Người mua bây giờ cũng không thích mua bánh đắt tiền mà chỉ chọn loại vừa phải, mẫu mã đủ bắt mắt, có giá dao động trên dưới 100.000 đồng/hộp. So với năm trước, giá nguyên liệu đầu vào có tăng nên nhà sản xuất đã giảm bớt trọng lượng bánh để giữ nguyên giá bán, hoặc tăng không đáng kể để người tiêu dùng vẫn chấp nhận được. Phương thức bán cũng khá linh hoạt, có loại nguyên hộp, cũng có loại tách rời bán lẻ từng chiếc một, tùy mẫu bánh có giá khác nhau, từ 10.000-100.000 đồng/chiếc, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn tùy theo túi tiền.
Tấp nập mua bánh trung thu có thương hiệu. |
Nói “không” với sản phẩm kém chất lượng
Một tín hiệu vui cho thị trường bánh trung thu năm nay là sự “lên ngôi” của các sản phẩm có thương hiệu, chứng tỏ vấn đề chất lượng sản phẩm ngày càng được chú trọng. Bác sĩ Trần Thị Mai, Phó Chi cục VSATTP tỉnh, Phó trưởng Đoàn liên ngành kiểm tra VSATTP dịp Tết Trung thu trên địa bàn cho biết: từ tháng 8, cơ quan chức năng đã triển khai rộng rãi công tác kiểm tra, hậu kiểm về chất lượng VSATTP trong dịp Tết Trung thu, đồng thời tiến hành tuyên truyền, giáo dục kiến thức VSATTP, khuyến cáo người tiêu dùng nên mua sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng. Đoàn đã kiểm tra và hậu kiểm tại hơn 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến các loại bánh, kẹo, nước giải khát phục vụ Tết Trung thu và lấy 28 mẫu thành phẩm kiểm nghiệm. Qua kiểm tra đã phát hiện, tịch thu, tiêu hủy một số sản phẩm kém chất lượng như phụ gia làm nhân bánh không bảo đảm vệ sinh, nguyên liệu sữa bột hết hạn, bánh còn hạn nhưng đã bị mốc, bánh không có đầy đủ nhãn mác… Nhờ tăng cường kiểm tra, xử lý, kết hợp tuyên truyền, vận động nên ý thức người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt, các nhà kinh doanh nói chung đã tự tạo nên uy tín cho chính mình bằng các mặt hàng bảo đảm chất lượng.
Ý kiến bạn đọc