Multimedia Đọc Báo in

Thị trường tuần qua

17:58, 28/02/2011
Cà phê:
Tuần qua, giá cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã tăng kỷ lục lên mức 46.000 đồng/kg trong ngày 21-2, đây được xem là mức giá cao nhất trong những năm qua. Sau khi lập kỷ lục thì giá cà phê lại giảm liên tiếp trong  3 ngày: 22, 23, 24-2, chỉ còn 43.800 đồng/kg đến 44.000 đồng/kg.
 

Ca cao:
Hiện Việt Nam đã trồng được 70 tấn ca cao đạt chứng nhận UTZ trong kế hoạch sản xuất 560 tấn ca cao UTZ năm 2011 của ngành ca cao Việt Nam. Giá ca cao UTZ: 64,4 triệu đồng/tấn, cao hơn ca cao loại thường là 2 triệu đồng.
 

Xăng, dầu:
Ngày 24-2, Bộ Tài chính quyết định cho phép doanh nghiệp được tăng giá bán mỗi lít xăng từ 16.400 đồng lên 19.300 đồng, tăng 2.900 đồng/lít; dầu diezel tăng 3.550 đồng một lít lên 18.300 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 15.100 lên 18.200 đồng/lít; dầu mazuts tăng từ 12.690 đồng lên 14.800 đồng/lít. Nguyên nhân do khủng hoảng chính trị tại Libya khiến giá dầu thế giới tăng mạnh, dầu thô đã tăng 14%, dầu Brent tăng 9,4% so với tuần trước. Kết thúc tuần, giá dầu thô giao tháng 4 đứng tại 97,88 USD/thùng, dầu Brent giao cùng kì hạn có giá 112,14 USD/thùng.
 
 

Gạo:
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tăng giá sàn xuất khẩu gạo. Giá  sàn XK gạo 5% tấm tăng từ 500 USD/tấn lên 520 USD/tấn. Thời gian áp dụng từ 22-2. Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo hướng dẫn xác định giá sàn gạo xuất khẩu và yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo giá sàn của mình về Hiệp hội Lương thực Việt Nam để Hiệp hội tổng hợp, tính ra giá sàn chung nhằm tránh hiện tượng ép giá mua.
 

Điều:
Giá điều của Nigeria tăng gấp đôi trong 4 tháng, lên 1.200 USD/tấn do chương trình cấm vận của Bờ Biển Ngà. Việc tăng giá này được nhận định sẽ ảnh hưởng đến ngành điều Việt Nam do Việt Nam phải nhập khẩu điều thô từ nước này để phục vụ công nghiệp chế biến trong nước.
 
 
Thức ăn chăn nuôi:
45.000 tấn ngô, khô dầu đậu tương nhập khẩu đang bị nghi có nhiễm chất độc hại nên đang dừng ở cảng và có thể bị tái xuất. Việc này khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng, đồng thời gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 350 tỷ đồng.
 
 
Thuỷ sản:
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phát đi thông điệp phản đối dự luật đề xuất thanh tra cá da trơn nội địa và nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). VASEP khẳng định cá tra không nằm trong dự luật này, vì trong dự luật năm 2002 đã nêu rõ chỉ có cá họ Ictaluridae mới được gọi là cá da trơn, còn cá tra được biết tới là loài basa, swai hoặc tra thuộc họ Pangasiidae.
 
Tổng cục Thống kê vừa đưa ra báo cáo về xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 2. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,84 tỉ USD, tăng 57,6% so cùng kỳ năm ngoái, tăng 1,6 lần so với tháng 1;  cao su vẫn là mặt hàng dẫn đầu. Xuất khẩu cà phê tháng 2 đạt 90.000 tấn, tăng 17% so với tháng 1.
 
 
Đường:
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, giá bán lẻ đường hiện nay (24.000 đồng/kg) đã giúp cả doanh nghiệp và nông dân đều có lãi. Nhưng đây cũng là giá bán lẻ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với giá mía hiện nay, doanh thu của người trồng mía khoảng 40 triệu đồng/ha. Đây là mức doanh thu cao nhất trong 30 năm qua. Bộ Công Thương cũng vừa tiếp tục cấp quota cho phép nhập khẩu 250.000 tấn đường.
 
 
Thép:
Theo Hiệp hội Thép (VSA) một số doanh nghiệp lại tiếp tục tăng khoảng 300.000- 500.000đồng/ tấn cho thép cuộn và cây. Đây là đợt tăng giá lần thứ 2 trong tháng của các công ty sản xuất thép, với mức tăng tổng cộng từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tấn. Lần đầu, nhiều doanh nghiệp đã tăng giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
 
 
G.T (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc