Du lịch văn hóa- sinh thái Dak Lak: “Cánh cửa” mở ra không gian văn hóa các tộc người bản địa
Văn hóa của một tộc người, một cộng đồng và của cả một quốc gia sẽ không được nhiều người biết đến, nếu không có những hoạt động cụ thể. Hoạt động ấy do tự thân chủ nhân của nền văn hóa khơi dậy, hoặc được các nhà tổ chức lựa chọn để giới thiệu, quảng bá. Hoạt động du lịch là một trong những hình thức ấy; hay nói cách khác: đó là một “cánh cửa” mở ra để giới thiệu và quảng bá một nền văn hóa đến với mọi người…
Dak Lak đã chọn lựa, xây dựng các sản phẩm du lịch của mình dựa trên thế mạnh và đặc thù riêng: đó là du lịch gắn kết với văn hóa - sinh thái, vốn là những yếu tố có sẵn và đầy tiềm năng trên vùng đất Tây Nguyên này. Ông Nguyễn Tuấn - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak cho rằng: vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo của các tộc người bản địa là chất liệu vô giá để “nuôi dưỡng” ngành du lịch. Ngược lại, thông qua hoạt động du lịch mà vốn văn hóa ấy được giới thiệu, quảng bá sâu rộng đến với mọi người. Sự kết hợp này được Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak triển khai có hiệu quả từ vài năm nay. Cụ thể là tour “Hom stay” dành cho du khách quốc tế và các vùng miền khác trên cả nước đến tham quan, sinh hoạt với các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại khu du lịch văn hóa - sinh thái Hồ Lak đã để lại những ấn tượng khó quên. Ông Nguyễn Đức Phúc - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng đánh giá đây là cách làm hay, vừa tạo được sản phẩm du lịch mới và phong phú nhằm thu hút du khách, tăng doanh thu cho ngành, vừa mở ra cánh cửa giao lưu, giới thiệu vốn văn hóa lâu đời của người bản địa sinh sống bên Hồ Lak đến với du khách. Ông Lê Hoàng Cơ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Dak Lak cho biết: một số mô hình du lịch mang tính cộng đồng cao và thân thiện như thế đã góp phần nâng cao nhận thức, cũng như xúc cảm của du khách khi đến thăm thú, thưởng ngoạn vùng đất cao nguyên này. Có thể nói, các giá trị văn hóa ở đây được mọi người biết đến thông qua hoạt động du lịch trở nên sinh động và toàn diện hơn. Nó không giống như trong bảo tàng là sự “đóng khung và đông cứng” của các giá trị văn hóa đã sưu tầm, hệ thống được trong không gian gần như bất biến; lại càng khác xa tính chất “nặng về trình diễn” hơn là sinh họat tự nhiên trong những dịp lễ hội, hoặc các cuộc liên hoan văn hóa- nghệ thuật được tổ chức hàng năm - mà nhẹ nhàng thấm sâu, đem lại hiệu ứng thú vị và bất ngờ cho những ai có dịp tham gia các tour du lịch cộng đồng (Hom stay) nói trên.
Cưỡi voi cũng là sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn nhất của Du lịch Dak Lak. |
Cô H’Wiêt Buôn Krông là hướng dẫn viên lâu năm tại khu du lịch Hồ Lak tâm tình: chỉ cần một đêm ở lại với đồng bào, được sinh hoạt tự nhiên như người trong gia đình là bạn có rất nhiều cơ hội, điều kiện để hiểu và cảm nhận sâu hơn phong tục, tập quán của người Ê đê hay M’nông ở đây. Hơn thế các giá trị văn hóa tinh thần như nghe kể Khan, Ót N’rông, diễn tấu cồng chiêng cùng những sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh khác được lưu giữ sống động trong đời sống cư dân bản địa sẽ dẫn dắt du khách tiếp cận, thỏa mãn một cách sâu đậm và chân thật với vốn văn hóa của họ. Nói như GS, TS khoa học Tô Ngọc Thanh (Viện nghiên cứu văn hóa dân gian): chỉ có cách tiếp cận đa ngành, đa chiều trong không gian “sống” như thế mới giúp chúng ta lĩnh hội trọn vẹn và có chiều sâu của một nền văn hóa đích thực. Nhiều nhà hoạt động, nghiên cứu văn hóa các tộc người bản địa trên địa bàn Tây Nguyên cũng đã đồng thuận với quan đểm này của GS,TS khoa học Tô Ngọc Thanh và họ được một số công ty du lịch mời làm cố vấn cho những tour du lịch văn hóa- lịch sử và sinh thái ở các tỉnh Lâm Đồng, Dak Lak và Gia Lai.
Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak, Công ty Du lịch-Thương mại Đam San đã bắt tay với nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân, nhà nghiên cứu văn hóa Tuyết Nhung Mlô khảo sát và xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa tại một số tour - tuyến (Bản Đôn, Hồ Lak) nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo của người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Rõ ràng các doanh nghiệp làm du lịch đã có ý thức hơn trong việc đầu tư, tổ chức và khai thác vốn văn hóa của cư dân bản địa để nâng cao giá trị sản phẩm của mình trước bước tiến mạnh mẽ và cạnh tranh quyết liệt của ngành “công nghiệp không khói” này. Ý thức cùng với bước phát triển đáng mừng đó cho thấy các giá trị văn hóa của các cộng đồng người ở đây đã bắt đầu được phát huy. Thông qua hoạt động du lịch, văn hóa thật sự đã đóng vai trò là “sứ giả” quan trọng và đầy thiện chí nhằm kêu gọi sự quan tâm, đầu tư của bạn bè bốn phương trên các lĩnh vực khác, giúp cho Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung có thêm cơ hội hợp tác và phát triển. Bởi nói như nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc: Văn hóa Tây Nguyên càng được bảo tồn, gìn giữ và sức lan tỏa càng mạnh mẽ thì càng gần gũi với mọi người.
Ý kiến bạn đọc