Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk: Điểm sáng trong thu hút đầu tư vào năng lượng sạch

13:27, 11/03/2017

Trước bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng mạnh, việc thu hút các nhà đầu tư tham gia vào dự án (DA) năng lượng sạch gồm điện năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió, điện sinh khối đang được tỉnh đặc biệt quan tâm, hoàn thiện quy hoạch và ban hành nhiều chính sách, cơ chế mở cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Triển vọng từ điện mặt trời ở huyện Ea Súp

Đắk Lắk là địa phương có lượng nắng quanh năm, đặc biệt là khu vực phía Đông của tỉnh, là tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời. Hiện có 4 DA trong lĩnh vực này dự kiến đầu tư tại huyện vùng biên Ea Súp gồm: Nhà máy điện mặt trời của Công ty TNHH Solarpark Korea trên lòng hồ Ea Súp Thượng; Nhà máy của liên danh Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Long Thành (Hà Nội) và Công ty Namu (Hàn Quốc) tại xã Cư M’lan; Nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình và Nhà máy điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn AES (Hoa Kỳ).  Đến thời điểm này, Công ty TNHH Solarpark Korea đã ký thỏa thuận ghi nhớ với địa phương về việc triển khai DA, đồng thời xin cấp phép triển khai DA Nhà máy sản xuất kết cấu tấm nổi dùng trong xây dựng Nhà máy điện năng lượng mặt trời của Korea tại Khu công nghiệp Hòa Phú, diện tích 6,72ha, công suất 900.000 bộ/năm, vốn đầu tư 45 triệu USD. Đối với DA còn lại, chủ đầu tư cũng đã làm việc với UBND tỉnh để tiến hành khảo sát thực địa, thống nhất việc đấu nối với đường dây 500kV của hệ thống điện lưới quốc gia, chuẩn bị lắp đặt trạm quan trắc, cũng như các quy trình, thủ tục khác… Quyết định chấp thuận về chủ trương đầu tư của tỉnh đối với các dự án này sẽ được trao tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên 2017.

Thiết bị đo hệ thống phát điện mặt trời được lắp đặt tại huyện Ea Súp
Thiết bị đo hệ thống phát điện mặt trời được lắp đặt tại huyện Ea Súp

Ông Trương Công Hồng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, triển khai các DA điện mặt trời sẽ khai thác tiềm năng của địa phương, tạo ra sản lượng điện lớn và thúc đẩy chuyển dịch công nghiệp năng lượng Đắk Lắk từ thủy điện sang năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh việc đầu tư nhà máy điện mặt trời trên đất, nhà máy điện mặt trời trên mặt nước sẽ có nhiều ưu điểm thân thiện với môi trường, thúc đẩy tuyến du lịch vùng biên và đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Cơ chế rộng mở

Hiện nay, UBND tỉnh đã  thông qua danh mục 12 DA điện năng lượng mặt trời để đề xuất Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2025. Theo đó, các DA này có nhu cầu sử dụng khoảng 8.500 ha đất và 565 ha đất có mặt nước tại huyện Ea Súp.

Đối với lĩnh vực điện gió, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương chủ trì và phối hợp với đơn vị liên quan để thiết kế, khảo sát, đánh giá cùng đơn vị tư vấn trên địa bàn tỉnh có thể phát triển điện gió với tổng công suất khoảng 1.450 MW tập trung ở các huyện Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng, Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ. Hiện nay đã có 1 dự án Nhà máy phong điện Tây Nguyên đang triển khai đầu tư giai đoạn 1 với công suất 28 MW trên tổng số 120 MW của dự án. Nhà đầu tư từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho khảo sát và đặt 4  thiết bị đo gió ở một số nơi để đánh giá hiệu suất, triển khai đầu tư trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị và đại diện nhà đầu tư ký và trao biên bản ghi nhớ
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị và đại diện nhà đầu tư ký và trao biên bản ghi nhớ

Về quy hoạch điện sinh khối giai đoạn 2015-2025 và giai đoạn 2035, Sở Công thương đang phối hợp các ngành điều tra, thống kê nguồn năng lượng sinh khối dồi dào từ củi, trấu, bã mía, gỗ vụn, mùn cưa và các phụ phẩm nông nghiệp để từ đó áp dụng nhân rộng mô hình chế biến và khai thác nguồn năng lượng này. Định hướng xây dựng đối với nguồn năng lượng này sẽ tập trung vào nhà máy sản xuất mía đường, nhà máy sắn, nhà máy đốt rác…để thu hút nhà đầu tư.

Tại buổi làm việc mới đây với nhà đầu tư trong lĩnh vực này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh khẳng định: Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách ưu đãi, tỉnh đặc biệt quan tâm giải quyết nhanh quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, kêu gọi sự hỗ trợ từ bộ, ngành liên quan đầu tư hạ tầng đồng bộ để các DA nhanh chóng triển khai. Tỉnh cũng đang rà soát lại một số DA đầu tư không hiệu quả để thu hồi chuyển đổi mục đích cho các nhà đầu tư khác hiệu quả hơn. Về cơ chế riêng cho các DA đầu tư cho lĩnh vực điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương xây dựng Quyết định quy định cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời tại Việt Nam để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Theo đó, thủ tục đầu tư phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ được minh bạch, nhà đầu tư được ưu đãi về thuế, đầu tư, đất đai…; đồng thời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổ chức, cá nhân kinh doanh, phân phối  điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng từ các dự án điện mặt trời trong thời gian 20 năm.

Lê Hoàng

 

                                                                                          


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.