Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh trong mùa nắng nóng

15:56, 14/04/2010

Thời tiết đang trong những ngày cao điểm của nắng nóng, khí hậu hanh khô với nhiệt độ luôn trên mức 32oC đã làm cho môi trường sống trở nên khó chịu, làm phát sinh nhiều bệnh dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và khả năng lao động, học tập của con người.

Nắng nóng làm nhiệt độ môi trường tăng cao khiến cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt, do đó dễ bị mất nước kèm theo mất điện giải. Tình trạng này càng dễ xảy ra khi lao động ngoài trời nắng, trẻ em chơi đùa ngoài nắng dẫn đến bị sốc nắng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến trụy mạch nếu không xử trí kịp thời bằng cách bù nước và điện giải.

Rau quả cần được bảo quản cẩn thận trong màu nắng nóng
Rau quả cần được bảo quản cẩn thận trong mùa nắng nóng
Mặt khác, vào mùa nắng nóng còn dễ xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Nhiệt độ môi trường cao rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển trong thức ăn không được bảo quản kỹ, sinh ra nhiều độc chất làm cho thức ăn bị ôi, thiu, dễ ngộ độc. Nếu nhiệt độ môi trường cao phải bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, không ăn những thức ăn bày bán rong trên các hè phố. Mùa nắng nóng còn là thời điểm dễ phát sinh nhiều dịch bệnh như: viêm não, thủy đậu, quai bị, thương hàn, nhiễm trùng tiêu hóa, viêm màng não não mô cầu, bệnh tay chân miệng… Đây là các bệnh lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch.
Để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp sau:
-Thường xuyên vệ sinh môi trường như: phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng, nhà cửa thông thoáng sáng sủa.
-Không để trẻ em chơi đùa ngoài nắng để tránh bị sốc nắng. Người lớn cũng không nên lao động ngoài trời vào giữa trưa nắng gắt, nếu phải làm việc thì nên đội nón rộng vành, mặc áo, quần dài tay, dài chân bằng vải coton để dễ hút mồ hôi, uống bù nước và muối khoáng bằng nước dừa, nước oresol (1 gói pha vào 1 lít nước để uống bù nước và muối khoáng trong các trường hợp bị mất nước và điện giải), nước giải nhiệt nấu bằng các loại thảo mộc như rễ tranh, mã đề, rau má, mía lau, râu bắp, atisô…
-Không cho trẻ tắm sống, hồ, ao.
-Ăn uống hợp vệ sinh: ăn chín, uống chín, thức ăn còn dư nên nấu sôi lại và để trong tủ lạnh không quá 1-2 ngày, không ăn quà vặt, hàng rong.
-Tiêm phòng các bệnh như: thủy đậu, quai bị, thương hàn, viêm não, viêm màng não não mô cầu…
Ngoài ra, đối với những nhà có gắn máy điều hòa không khí cũng nên chú ý gắn quạt hút gió để đối lưu không khí, không nên để chênh lệch nhiệt độ giữa trong phòng và bên ngoài quá nhiều, thỉnh thoảng cũng nên làm vệ sinh máy lạnh vì giàn lạnh của máy lạnh là nơi chứa nhiều vi khuẩn, nấm mốc gây viêm đường hô hấp, dị ứng, hen suyễn…
-Không nên để quạt máy quạt trực tiếp một chỗ vào người dễ gây mất thân nhiệt mà nên cho quạt di động.

Minh Thu

 


Ý kiến bạn đọc