Multimedia Đọc Báo in

Bệnh dại - mối nguy hiểm và cách phòng tránh

00:01, 02/09/2010

1. Bệnh dại là gì?
Dại là căn bệnh viêm não tủy cấp tính do virút dại (Rabies virus) thuộc họ Rhabdo-viridae gây ra. Căn bệnh thường diễn ra vào mùa hè khi thời tiết nóng nực, do động vật máu nóng như chó, mèo cắn, trong đó 97% là do chó, còn lại là do mèo, chuột, động vật gậm nhấm. Khi bị nhiễm virút dại, người bệnh sẽ lên cơn sốt dại và tử vong nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời. Nhóm rủi ro mắc bệnh cao là những người nuôi chó mèo, tiếp xúc trực tiếp chó mèo và cả những người lạ khi bị tấn công bất ngờ.
2. Cách truyền bệnh
Cách phổ biến truyền bệnh dại là qua vết cắn, cào của con vật khi nhiễm vi rút, nhất là chó mèo, chuột hoặc các động vật hoang dã như chồn, cáo, dơi... Virút dại không tồn tại trong môi trường bên ngoài của con vật chủ, tồn tại trong con mồi ít nhất 24 tiếng, được truyền chủ yếu qua con đường nước bọt tại vết cắn. Chó bị dại thường có hai dạng, một là điên cuồng, hai là thể hiền. Sau khi ủ bệnh từ 3-5 ngày, con vật thường bỏ ăn, các thói quen thường ngày bị thay đổi, quá vui mừng hoặc quá hung dữ, tiếng kêu khò khè, sủa kéo dài, rướn cao thành rú ghê rợn. Khi bị kích thích con vật thường chồm lên tấn công và cắn rất mạnh, bỏ nhà chạy rông, cắn quàng và suy yếu chết trong vòng một tuần nhưng cũng có loại bệnh dại ở chó lại rất hiền không cắn, nằm liệt, không sủa và tử vong trong vòng 3-5 ngày.
3. Triệu chứng bệnh dại
Khi bị chó dại, mèo dại cắn, cào thì virút dại sẽ thâm nhập qua vết cắn sang người. Thời gian ủ bệnh ở người dài từ 2-8 tuần, độ dài ủ bệnh tùy thuộc vào mức độ vết cắn và lượng virút thâm nhập vào cơ thể người bệnh và cũng giống như ở con vật bị dại, người mắc bệnh dại cũng có biểu hiện hung dữ và liệt. Ở thể hung dữ thường có dấu hiệu gào thét, các giác quan nhạy cảm, sợ gió, sợ nước (hydropholia), mắc chứng hoang tưởng, đập phá, co thắt thanh quản. Nếu ở thể liệt (thể hiền) người bệnh thường nằm im, liệt hô hấp, cử động và phần lớn khi đã lên cơn dại thường dẫn đến tử vong.
4. Chữa trị và phòng tránh
Bệnh dại đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, nhất là những người đã chuyển sang giai đoạn dại là khó chữa, trường hợp qua khỏi là do phát hiện sớm và điều trị tăng cường nhưng rất hãn hữu. Khi bị chó, mèo cắn cần xử lý vết thương ngay bằng cách rửa sạch bằng nước xà phòng đặc 20%, nước muối 9%, sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn. Nếu cần có thể cắt bỏ vết thương,  không nên khâu kín ngay, chỉ khâu sau khi vết cắn được ba ngày để tránh sự phát tán virút dại. Trường hợp vết nhẹ không vào vùng thần kinh như ở chân và con vật vẫn bình thường khỏe mạnh thì không cần tiêm phòng vắcxin. Theo dõi con vật 10-15 ngày, nếu bỏ ăn, chết, bỏ đi thì phải tiêm vắcxin dại ngay, nếu sau thời gian này con vật khỏe mạnh thì không nên tiêm. Tình huống xấu thì cần tiêm đồng thời hai loại vắcxin và huyết thanh kháng dại,  nhất là khi con vật tình nghi bị dại đang lên cơn, nhất là vết cắn sâu ở đầu và cổ. Khi tiêm vắcxin phòng bệnh dại cần tiêm đủ liều theo quy định chuyên môn. Tiêm đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm, trong thời gian tiêm không nên làm việc quá sức, không uống rượu, dùng thuốc kích thích để làm giảm tác dụng của vắcxin. Tuyệt đối không để vết thương bầm dập, không tự điều trị, mà đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý theo phác đồ của chuyên môn. Ngoài ra, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh dại, mọi gia đình cần quản lý tốt vật nuôi, tiêm phòng vắcxin dại bắt buộc cho chó mèo và phải đăng ký vật nuôi với chính quyền địa phương để tiện theo dõi và phòng bệnh theo quy định.

K.N (Theo Net/WMD - 6/2010)

 


Ý kiến bạn đọc