Multimedia Đọc Báo in

Bệnh sán lá gan và biện pháp phòng ngừa

07:45, 15/09/2010

Sán lá gan là một loại ký sinh trùng có tên khoa học là Fasciola hepatica có hình dạng giống như một chiếc lá, dài khoảng 3-4cm, màu trắng hoặc màu xám đỏ, thường sống ở gan và đường dẫn mật. Theo số liệu thống kê của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-côn trùng Quy Nhơn, tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong 6 tháng đầu năm 2010 đã phát hiện 1028 ca nhiễm mới và tái khám 2.360 ca. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê không đầy đủ vì sau khi các tuyến điều trị chủ động được thuốc điều trị (triclabendazole) thì không thường xuyên gửi báo cáo về Viện các ca phát hiện và điều trị tại địa phương.

Sán lá gan ký sinh trong cơ thể người trưởng thành sống trong đường mật, đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài. Ở môi trường bên ngoài, trứng phát triển trong nước ngọt, sau 9-15 ngày nở thành ấu trùng xâm nhập vào con ốc, trong cơ thể ốc ấu trùng phát triển thành ấu trùng đuôi, chui ra khỏi ốc mất đuôi, sống tự do và vào các loại thực vật thủy sinh như cải xoong, ngổ, rau om, rau cần, ngó sen, rau muống... dưới dạng nang ấu trùng. Người ăn phải thức ăn chứa nang ấu trùng sẽ bị nhiễm bệnh. Sán trưởng thành có thể sống trên 10 năm trong cơ thể người nhiễm bệnh.

Nang ấu trùng sán lá gan khi vào cơ thể, xuống ruột rồi tự lột lớp vỏ, xuyên qua màng ruột, theo máu vào gan, phát triển trong tế bào gan, rồi sau đó định hình ở ống mật. Khi mới bị nhiễm bệnh, nhiễm ít thường cơ thể không có biểu hiện gì vì vậy người bệnh không biết hoặc không quan tâm đến bệnh. Sau vài tháng, khi bị nhiễm với số lượng nhiều mới phát sinh triệu chứng: sốt, run lạnh, đau vùng hạ sườn phải. Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất và biểu hiện sớm nhất. Siêu âm trong giai đoạn này có thể chưa phát hiện. Nếu không điều trị sẽ chuyển sang mạn tính, giai đoạn này sán đã phát triển và trưởng thành ở ống mật. Lúc này người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, da xanh xao, người suy yếu; rối loạn tiêu hóa: người bệnh chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón; đau bụng, thường là đau âm ỉ ở vùng hạ sườn; dị ứng da, nổi mề đay; sốt đau bụng, vàng da, vàng mắt. Đồng thời, sẽ tạo ra những ổ áp-xe nhỏ, rồi những ổ áp-xe lớn, phá hủy tổ chức gan, gây xơ cứng đường mật, tắc mật, vàng da. Siêu âm ở giai đoạn này có thể có những hình ảnh gợi ý chẩn đoán nhiễm sán lá gan. Khi làm xét nghiệm máu sẽ cho kết quả chẩn đoán chính xác.
Bệnh nhiễm sán lá gan nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, không bị tái nhiễm thì sẽ khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: xơ gan, ung thư gan, ung thư đường mật.

Cần xác định bệnh sán lá gan nếu đang sinh sống hoặc đã từng sinh sống ở những vùng có nhiều người bị nhiễm sán lá gan; có các biểu hiện nghi ngờ như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, vàng da, dị ứng,...; khi có các biểu hiện nghi ngờ kể trên cần đến chuyên khoa Nội-truyền nhiễm để được chẩn đoán bệnh kịp thời. Việc chẩn đoán có thể được xác định bằng xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm bụng...

Để phòng ngừa nhiễm sán lá gan cần:
Bỏ thói quen ăn tái, ăn sống các loại thực phẩm nhất là các loại rau sống dưới nước như rau muống, rau cải xoong, sen, súng,...
Có ý thức vệ sinh chung, không phóng uế bừa bãi, ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Người có triệu chứng nghi ngờ phải được khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh để bệnh kéo dài gây nguy hiểm cho bản thân và tăng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

 

Hồng Vân (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc