Multimedia Đọc Báo in

Những thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe

16:29, 06/11/2010

Ăn uống đủ chất và lượng sẽ giúp chúng ta duy trì được một cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, để tạo cho mình một thói quen ăn uống lành mạnh đòi hỏi chúng ta phải tập luyện mới có được. Hãy luôn ghi nhớ những nguyên tắc sau đây, và tập để chúng trở thành thói quen hàng ngày.

1. Xây dựng thói quen uống nước: Nếu cơ thể thiếu nước, sẽ thường xuyên ở trong tình trạng mệt mỏi. Vì vậy, để có một cơ thể khoẻ mạnh, mỗi ngày mỗi người nên uống từ 1,5 – 2 lít nước. Đặc biệt,  mỗi buổi sáng sau khi thức dậy nên uống một cốc nước vừa khắc phục tình trạng thiếu nước của cơ thể sau một giấc ngủ dài, vừa là phương thuốc tốt để phòng chống bệnh tật, nhất là đối với những người mắc bệnh táo bón và những người trong thói quen ăn uống hàng ngày không cung cấp đủ lượng rau và hoa quả cần thiết cho cơ thể.

Nước rất quan trọng với sức khỏe cơ thể mỗi người. Ảnh minh họa

2. Chú ý ăn sáng: Nghiên cứu của Mỹ cho thấy những người không ăn sáng thường thừa cân, hay ngáp, làm việc gì cũng không có hứng thú. Người chú trọng ăn sáng thì sinh lực tràn đầy, hình thể cũng tương đối hài hòa, cân xứng. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, nếu bỏ bữa ăn sáng thì các bữa ăn còn lại trong ngày cũng khó lòng bù lại lượng dưỡng chất thiếu hụt, điều này có hại cho sức khỏe cả về trước mắt và lâu dài. Bữa sáng là bữa ăn quan trọng mở đầu cho một ngày mới kể từ bữa ăn cuối của ngày hôm trước. Với một số người khoảng thời gian này là 8 – 10 tiếng và đối với trẻ em, chúng ăn bữa tối sớm hơn người lớn thì thời gian này lên đến 16 tiếng. Vì thế mức năng lượng trong người vào buổi sáng luôn thấp nên cơ thể cần được cung cấp năng lượng từ việc ăn uống để có đủ năng lượng bắt đầu một ngày mới. Chính vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người nên có thói quen ăn sáng, để nâng cao được sức khoẻ và tinh thần minh mẫn trong suốt một ngày.

3. Bữa phụ lúc 10 giờ: Mặc dù đã có một bữa sáng chất lượng nhưng đến khoảng 10h30 sáng, nguồn đường tích trữ của ngày hôm trước đã được dùng gần hết. Nếu bạn muốn dùng thời gian còn lại trong một ngày giống như vừa mới “nạp điện” thì lúc này cần ăn một miếng socola hoặc mấy chiếc bánh quy hay một cái gì đó. Việc ăn nhẹ vào giờ này ngoài tác dụng bổ sung thêm năng lượng còn có thể tránh được tình trạng  ăn và uống quá nhiều vào buổi trưa.

4. Uống cà phê sau bữa trưa: Sau bữa trưa, hoóc-môn “buồn ngủ” trong cơ thể tăng lên, đây là lúc dễ buồn ngủ nhất. Lúc này bạn hãy uống 1 ly cà phê hay trà nếu muốn tiếp tục làm việc. Không những thế, uống cà phê vào buổi trưa còn có thể giảm được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 2. Các nhà khoa học cho hay chất chlorogenic acid, một chất chống ôxy hoá trong cà phê làm chậm việc hấp thụ đường trong ruột đây là nguyên do chính hạn chế và giảm thiểu được nguy cơ mắc tiểu đường týp 2 ở những người thường xuyên uống cà phê.

Chất lượng và thói quen ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Ảnh minh họa

5. Khống chế tửu lượng: Uống rượu xong thường có cảm giác dễ ngủ nhưng thực sự là mắt thì nhắm nhưng đồng tử lại chuyển động không ngừng. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là không nên uống rượu trước giờ ngủ 2 tiếng, hoặc nếu có uống bia vào bữa ăn tối cũng chỉ nên uống từ 1-2 cốc.

6. Bổ sung thêm sắt: Nếu dự trữ sắt trong cơ thể quá thấp sẽ khiến lượng hồng cầu sản sinh kém, gây thiếu “phương tiện” để vận chuyển ôxy, từ đó sinh cảm giác mệt mỏi. Do đó, cách bổ sung chất sắt tốt nhất là thông qua các thực phẩm như gan, thận động vật, thịt nạc, lòng đỏ trứng, gà, cá, tôm và các loại đậu.

7. Ăn thực phẩm giàu chất xơ khi lái xe: Lạc, nho khô là những thực phẩm nên trữ sẵn trong xe ô tô bởi những thực phẩm này rất giàu Kali và cơ thể chúng ta cần Kali để chuyển hóa đường trong huyết dịch thành năng lượng.

Khánh Duy (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc