Multimedia Đọc Báo in

Ăn thế nào cho ngon và khỏe trong ngày Tết

15:36, 20/01/2011

Tết cổ truyền bao giờ cũng có nhiều món để lựa chọn, tuy nhiên, lựa chọn món ăn như thế nào cho ngon mà vẫn đảm bảo sức khỏe mới là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn. Dưới đây là một vài cách lựa chọn món ăn cho ngày Tết.

Ăn bánh tét, bánh chưng nên kèm theo rau sống

Trong mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét. Đây là những món ăn rất giàu năng lượng, cung cấp cả chất đạm động vật (thịt) và thực vật (đậu xanh). Chỉ với một góc bánh chưng hoặc khoanh bánh tét kèm thêm một ít dưa món là có thể lót dạ nhanh gọn và ngon lành. Tuy nhiên, cần lưu ý bánh chưng, bánh tét cung cấp nhiều chất bột đường từ nếp sẽ chuyển hóa thành đường khi vào cơ thể. Do vậy, người đái tháo đường chỉ nên ăn vừa phải và nên kèm nhiều rau để làm chậm tốc độ hấp thu đường vào cơ thể. Thịt mỡ trong bánh chưng, bánh tét còn chứa nhiều chất béo no nên người có các bệnh mãn tính cũng nên tránh.

 

Bánh chưng nên ăn kèm rau sẽ tốt cho những người bị bệnh mạn tính. Ảnh: TL

Ăn nhiều măng để hạn chế hấp thu mỡ

Các món canh được chọn trong ngày Tết thường là canh khổ qua hầm hoặc canh măng hầm giò heo. Món khổ qua hầm thì ít béo và giàu đạm, nhưng canh hầm giò heo thì rất nhiều chất béo no. Do vậy, người có bệnh mãn tính nên hạn chế ăn mỡ của giò heo và nên ăn nhiều măng để nhận được nhiều chất xơ giúp hạn chế hấp thu mỡ.

Nấu thịt kho trứng nên kèm cá lóc

Thịt kho trứng là món “tủ” của nhiều gia đình cho những ngày không đi chợ vào dịp Tết. Món này hấp dẫn nhờ sự hòa quyện vị ngọt tinh khiết của nước dừa kết hợp với vị mặn đậm đà của nước mắm ngon cùng vị béo ngọt của thịt mỡ và trứng. Đây là món ăn ngon và rất giàu dinh dưỡng, tuy nhiên, do thịt mỡ chứa nhiều chất béo no, cung cấp nhiều năng lượng, kết hợp với trứng có hàm lượng cholesterol cao nên sẽ bất lợi cho người cao tuổi, người thừa cân béo phì, người có bệnh tim mạch và cholesterol trong máu cao. Do đó, cần “biến tấu” món này thành thịt, cá kho trứng, nghĩa là không chỉ có thịt với trứng mà thêm vào đó vài lát cá lóc tươi ngon để mọi người trong gia đình đều có thể lựa chọn món ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người: trẻ em ăn cả thịt, cá và trứng tùy thích; người có bệnh lý mãn tính chỉ nên chọn cá với ít trứng, có thể ăn thịt nạc, không ăn mỡ. Ngoài ra, món giàu đạm này nên ăn kèm dưa giá, dưa hành vừa ngon miệng, vừa giúp tiêu hóa tốt.

 

Ăn dứa sau bữa ăn giúp tiêu hóa tốt. Ảnh: TL

Ăn dứa sau bữa ăn giúp tiêu hóa tốt

Ăn dứa sau bữa chính sẽ giúp tiêu hóa rất tốt bữa ăn giàu đạm. Bên cạnh đó, bưởi, dưa hấu, thanh long, táo, quít là những trái cây chưng Tết rất đẹp, chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe.

Các món ăn ngày Tết rất nhiều đạm nên cần điều chỉnh bữa ăn để có thêm rau tươi, trái cây các loại nhằm cung cấp vitamin và chất xơ giúp hạn chế hấp thu chất béo. Món ăn ngon, nhiều rau, ít chất béo mà không cần chế biến nhiều, rất phù hợp trong những bữa tiệc đầu năm của gia đình là bánh tráng cuốn với cá (hấp hoặc nướng). Lẩu thập cẩm với đủ loại rau củ và rau tươi trộn dầu giấm cũng là những món ăn cung cấp nhiều chất xơ và vitamin cho cơ thể.

K.O (nguồn PNO)


Ý kiến bạn đọc