Phòng bệnh tăng huyết áp
Trong đời sống công nghiệp hiện nay, bệnh tăng huyết áp ngày càng trở nên phổ biến. Đây là một loại bệnh lý mãn tính, tăng dần và nguy hiểm, gây ra 7,1 triệu người tử vong hằng năm trên toàn cầu. Tại Việt Nam, theo điều tra năm 2008 của Viện Tim mạch quốc gia tại 8 tỉnh, thành phố, cả nước có khoảng 25,1% người mắc bệnh tăng huyết áp. Tăng huyết áp có thể gây nguy hiểm ngay cho bệnh nhân nhưng cũng có thể âm thầm ảnh hưởng đến các cơ quan khác như: tim, não, thận, mắt, gây ra những di chứng nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, cần có biện pháp phòng ngừa để không mắc bệnh tăng huyết áp.
Theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90mmHg.
Những thay đổi trong điều kiện sống, nhất là thời buổi công nghiệp hóa, các yếu tố liên quan đến việc gia tăng huyết áp thường gắn liền với đời sống hiện đại, như: thừa cân, hút thuốc lá, uống rượu nhiều, thừa lượng muối và lượng chất béo trong khẩu phần ăn..... đã làm số lượng người mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng cao.
Đa số các bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp thường không có dấu hiệu cảnh báo trước. Nhiều lúc thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì tiếp ngay sau đó bệnh nhân cũng đã có nguy cơ tử vong do bị xuất huyết não. Cũng có rất nhiều bệnh nhân tăng huyết áp không có dấu hiệu gì khác biệt so với người bình thường, chỉ đến khi tình cờ khám bệnh, kiểm tra huyết áp thì mới biết bị tăng huyết áp. Hoặc một số tình trạng thay đổi trong cơ thể làm mất kiểm soát huyết áp cũng gây ra những triệu chứng như: ra nhiều mồ hôi, co thắt cơ, mệt mỏi, tiểu nhiều và thường xuyên, nhịp tim nhanh bất thường.
Điển hình là bệnh nhân Nguyễn Lê Minh ở TP. Buôn Ma Thuột đang điều trị nội trú tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Trong lúc đang làm việc bình thường, đột nhiên ông bị xây xẩm mặt mày, mắt nhìn mờ, hụt hơi, đau tức ở ngực. Ông được người thân đưa vào cấp cứu tại bệnh viện và được các bác sĩ chẩn đoán là bị nhồi máu cơ tim do tăng huyết áp. Hoặc trường hợp ông Nguyễn Văn Phúc ở huyện Krông Pak cũng được. Người thân đưa vào cấp cứu tại bệnh viện khi đang làm việc, người nhà cho biết ông Phúc đột nhiên bị tê cứng cơ mặt, không nói được, đầu đau dữ dội. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị tai biến mạch máu não do tăng huyết áp.
Trên đây chỉ là những trường hợp điển hình của bệnh tăng huyết áp, điều may mắn là bệnh nhân được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời nên được điều trị khỏi. Cũng có những trường hợp được cấp cứu chậm nên bệnh trở nặng, khó điều trị và có người đã không qua khỏi. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp bệnh nhân bị biến chứng quá nặng dẫn đến tàn phế như bị liệt nửa người, liệt toàn thân, bại não... phải tập luyện phục hồi chức năng dài ngày để phục hồi vận động.
Mọi người ai cũng mong muốn có một trạng thái sức khỏe tốt nhất, không bệnh tật. Tuy nhiên, trong cuộc sống luôn tồn tại những yếu tố nguy cơ đe dọa đến sức khỏe con người. Đối với bệnh tăng huyết áp, có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được là người có độ tuổi càng lớn thì nguy cơ tăng huyết áp càng cao, và đặc biệt, trong gia đình nếu có người bị tăng huyết áp thì nguy cơ có xu hướng cao đối với những thành viên còn lại. Bên cạnh đó, bệnh tăng huyết áp còn có những nguy cơ khác có thể kiểm soát được như: béo phì, ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá, nhạy cảm với muối Natri, uống quá nhiều rượu, stress.... Những người mắc bệnh đái tháo đường, suy tim.... cũng có nguy cơ cao. Vì vậy, đối với những người có yếu tố nguy cơ về tim mạch, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên là điều cần thiết và quan trọng.
Khi bị tăng huyết áp, người bệnh cần được theo dõi, điều trị lâu dài và cần được tư vấn, giáo dục để đề phòng các biến chứng về sau.
Bệnh tăng huyết áp không phải là bệnh chỉ điều trị một vài lần là khỏi, người bệnh cần phải được kiểm soát huyết áp liên tục từ khi phát hiện bệnh cho đến cuối cuộc đời.
Để phòng bệnh tăng huyết áp, mọi người cần có một lối sống lành mạnh, có chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp để duy trì một sức khỏe tốt.
Ý kiến bạn đọc