Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa một số bệnh thường gặp trong mùa đông xuân

16:37, 16/01/2011

Mùa đông xuân là mùa mà con người dễ dàng mắc các bệnh do thời tiết đưa tới, nhất là các bệnh về phổi, bệnh ngoài da và khớp.

Các bệnh đường hô hấp:
Hen phế quản: Hen phế quản (còn gọi là hen suyễn) là một hội chứng xảy ra do co thắt và tình trạng quá mẫn cảm của các phế quản với các kích thích rất khác nhau như bụi nhà, lông súc vật, phấn hoa, mùi hóa chất hoặc những kích thích nội tại có trong cơ thể người bệnh như nội tiết tố. Biểu hiện của bệnh là ho, khó thở, thở khò khè, thời kỳ đầu có thể khó thở từng cơn có tính chất chu kỳ, đôi khi liên quan đến thời tiết, các chất tiếp xúc…; sau cơn khó thở thường ho, có đờm loãng, nghe phổi có nhiều tiếng rên rít, rên ngáy... Bệnh nhân hen suyễn cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân làm cho bệnh nặng thêm như len, dạ, bụi, khói thuốc, các chất khử mùi, các loại dầu thơm, phấn hoa, lông súc vật...; luôn giữ cho nhà cửa thoáng khí, sạch sẽ, tránh bụi bẩn; tránh dùng các loại thực phẩm và đồ gia vị có thể gây ra cơn hen suyễn như: thịt gà, bò, một số loại hải sản....; khi đi ra ngoài cần có khăn che mũi, miệng để tránh khói bụi. Bên cạnh đó, nên nghỉ ngơi hợp lý, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước.

Viêm phổi: Viêm phổi là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng tổn thương cấp tính, lan tỏa hai bên phổi làm rối loạn trao đổi khí tại phổi gây nên tình trạng suy hô hấp, rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và người già. Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các loại virut hoặc vi khuẩn gây viêm phổi. Biểu hiện viêm phổi dễ nhận thấy đối với trẻ em là sốt cao liên tục, ho húng hắng, chảy nước mắt, nước mũi, khò khè, đau họng, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc… Để phòng bệnh cần mặc đủ ấm, nhất là khi ra ngoài trời vào buổi đêm, khi thời tiết thay đổi đột ngột; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; vệ sinh thân thể, răng miệng sạch sẽ. Khi thấy cơ thể có các triệu chứng như ho, sốt cao kéo dài, khó thở,...cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ho ra máu: ho ra máu chịu ảnh hưởng rất nhiều của yếu tố thời tiết. Trong ba yếu tố: độ ẩm, khí áp, nhiệt độ thì sự thay đổi về nhiệt độ và khí áp là nguyên nhân gây ho ra máu rõ rệt nhất. Phòng chống ho ra máu chỉ có cách giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mũi, họng.

Bệnh ngoài da: Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các bệnh ngoài da phát triển như mề đay, chàm, nứt gót chân,...
Biểu hiện của bệnh mề đay là những phản ứng gây phù tại chỗ trên bề mặt da là các sẩn đỏ có kích thước to nhỏ không đều từ bằng đầu đũa đến những mảng đỏ, sưng phù và luôn kèm theo ngứa. Mề đay có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong ngày, thường gặp nhất là sau khi ăn thức ăn lạ 30 phút đến vài giờ; khi hít phải phấn hoa; khói bụi; sau khi cơ thể bị nhiễm lạnh hoặc sau khi tiếp xúc với vật dụng, hóa chất... gây dị ứng. Ban đầu mề đay xuất hiện ở những nơi da mỏng, ít tiếp xúc với ánh nắng như: mặt trong hai cẳng tay, mặt trong hai bắp chân, da bụng, những nơi bị bó chặt (thắt lưng quần, nịt vú),... Mề đay có thể biểu hiện dưới dạng đặc biệt gây phù mi mắt, phù môi, phù thanh quản hoặc phế quản gây khó thở và nguy hiểm đến tính mạng. Để tránh những hiện tượng trên, những người có cơ địa dị ứng và nổi mề đay nên hạn chế ra ngoài lúc trời lạnh, nếu phải ra ngoài khi trời lạnh thì cần mặc đủ ấm cho cơ thể, đặc biệt là ngực, cổ, mũi và hai bàn chân, bàn tay.

Bệnh khớp: Thời tiết lạnh ẩm khiến các bệnh xương khớp có dịp hoành hành. Viêm khớp dạng thấp và gút (gout) là bệnh dễ bùng phát thành những đợt cấp tính trong mùa đông.
Viêm khớp dạng thấp: là một bệnh mạn tính kéo dài trong nhiều năm gây viêm các khớp đối xứng, tổn thương, phá hủy dần các cấu trúc tại khớp và quanh khớp. Biểu hiện của bệnh: đột ngột viêm nhiều khớp, ấn đau nơi khớp viêm; viêm đối xứng ở các khớp như khớp cổ tay, chân, khuỷu tay; và người bệnh cũng có thể bị cứng khớp vào buổi sáng gây khó cử động trong nhiều giờ,... Để điều trị, người bệnh cần an dưỡng, nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường, dùng thuốc kháng viêm, có thể phải kết hợp cả phương pháp vật lý trị liệu và phẫu thuật chữa bệnh. Vì vậy, khi thấy các biểu biện của bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị nhằm tránh các biến chứng.

Bệnh gút (gout): Gút (gout) là một bệnh do rối loạn chuyển hóa dẫn tới tăng acid uric máu gây nên. Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh gút chiếm khoảng 10%-12% các bệnh về khớp, nhất là nam giới. Bệnh thường khởi phát cấp tính gây những cơn đau nặng ở khớp bàn chân, cổ chân, khớp gối...nhất là ở ngón chân cái làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe, tinh thần của người bệnh. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là sưng, nóng, đỏ, đau các khớp dữ dội; thường biểu hiện ở những khớp bàn chân, mắt cá chân, khớp cổ tay, khớp cổ chân, khớp gối, khớp khuỷu; viêm nhiều khớp nhỏ và vừa có tính đối xứng, viêm tái phát nhiều lần, thời gian đau khớp kéo dài, co duỗi khó khăn, nổi các u cục quanh khớp. Để phòng bệnh nên hạn chế uống rượu bia và ăn uống quá nhiều chất đạm, tránh gây tổn thương khớp vì có thể bệnh gút sẽ làm các khớp bị tổn thương nhiều hơn. Về tập luyện, cần đi bộ hoặc đạp xe đạp tại chỗ; tránh bất động làm ảnh hưởng đến tinh thần cũng như chức năng vận động của khớp. Cũng cần tránh quan niệm là phải tập thật nhiều cho khỏi cứng dính khớp, gây quá tải lên khớp và làm bệnh nặng thêm.

Hồng Vân (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc