Tìm hiểu ung thư máu
Thông thường mọi người quen gọi là ung thư máu, nhưng thực chất Y học gọi là bệnh bạch cầu.
Bệnh bạch cầu là một loại ung thư của tủy xương hoặc của các hạch bạch huyết, nhưng bản chất của nó là một bệnh của máu. Ung thư tấn công vào các mô của tủy xương và mô bạch huyết có nhiệm vụ sản xuất ra các bạch cầu, khiến các mô này sản xuất ra hằng hà sa số tế bào bạch cầu chưa trưởng thành (còn non). Các bạch cầu non này thay thế các bạch cầu bình thường, nhưng không đảm đương được nhiệm vụ của bạch cầu là chống nhiễm trùng, nên làm cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng. Hơn nữa, các bạch cầu non này còn “ăn máu”, nghĩa là nó chèn ép hồng cầu và tiểu cầu khiến cho cơ thể bị thiếu máu, thiếu ô xy và dễ bị chảy máu. Chính vì vậy mà người bị bệnh bạch cầu dễ bị tử vong do nhiễm trùng hoặc chảy máu dữ dội bên trong cơ thể (gọi là xuất huyết nội, như: chảy máu tiêu hóa, chảy máu ổ bụng...).
Các em bé sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử ở Hirosima và Nagasaki ở Nhật Bản, sau sự cố nhà máy điện nguyên tử Checnôbưn ở Nga, và các em bé bị chiếu tia xạ để điều trị bệnh bướu cổ hay bướu tuyến ức thì có tỷ lệ ung thư máu cao hơn thường lệ. Chất Benzan dùng trong công nghiệp cũng được coi là có khả năng gây nên bệnh bạch cầu...
Khi bị bệnh, người bệnh thường thấy bải hoải, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, chảy máu bất thường (khi đánh răng, bị trầy xước nhẹ...), da xanh xao, dễ bị nhiễm trùng, hay sốt nhẹ, có hạch ở cổ, nách, bẹn, gan to. Bệnh bạch cầu có hai thể: thể cấp tính và thể mạn tính. Thể cấp tính thường xuất hiện bất ngờ, triệu chứng rầm rộ. Thể mạn tính thường hiện ra từ từ. Để xác định được bệnh, thầy thuốc chuyên khoa phải lấy mẫu máu và tủy xương để thử. Trong thể mạn tính, số lượng bạch cầu sẽ tăng gấp bội so với bình thường, nhưng hình dạng thì không thay đổi nhiều. Ở thể cấp tính, không những số lượng tăng lên rất nhiều, mà hình dạng của bạch cầu cũng thay đổi.
Điều trị bệnh bạch cầu chủ yếu là dùng hóa chất, song phải phân loại từng thể bệnh rõ ràng. Bệnh bạch cầu limphô bào cấp ở trẻ em có thể chữa khỏi bằng các thuốc chống ung thư, phải phối hợp nhiều loại thuốc, dùng liều mạnh trong thời gian dài. Ngoài ra, phải dùng kháng sinh để chống nhiễm trùng và truyền máu vì bệnh nhân rất dễ bị chảy máu và thiếu máu. Hiện nay, nhiều nước đã ghép được tủy xương, góp phần rất lớn trong điều trị bệnh này: hút hết rồi bỏ đi tủy xương của người bệnh và ghép tủy xương lành thay thế vào.
Bệnh bạch cầu tủy bào cấp ở người lớn cũng được điều trị như trên, nhưng kết quả không được như ở trẻ em.
Bệnh bạch cầu mạn tính thì được dùng thuốc với liều nhẹ hơn và thường dùng tia xạ phối hợp.
Khoa Ngoại Tổng quát – BV Đa khoa tỉnh
Ý kiến bạn đọc