Làm gì khi bị “chuột rút”?
Chuột rút hay còn gọi là “vọp bẻ”, là hiện tượng thịt bị co cứng không cử động được, sự co cơ ngoài ý muốn của con người, xuất hiện đột ngột, rất đau. “Chuột rút” có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thường là co cơ ở chân, nam giới hay bị nhất.
Có ý kiến cho rằng: “chuột rút” là do rối loạn chức năng thần kinh thực vật, vì mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi nên mất nhiều muối natri clorua, do cơ bắp làm việc quá nhiều nên axit lactic ứ đọng trong cơ gây co cứng cơ. Có trường hợp bơi dưới nước, cơ thể hoạt động mạnh, nóng nhiều, gặp lạnh đột ngột, axit lactic cơ bắp tăng nhiều, cơ thể mỏi mệt không chi phối được các bắp thịt chống lại ảnh hưởng bên ngoài cơ bắp phản ứng lại bằng cách co cứng.
Khi đã bị chuột rút ta làm dịu cơn đau bằng cách:
Nếu chuột rút ở bắp chân ta từ từ kéo chân ra, ấn mạnh phần cuối của bàn chân trên mặt phẳng cứng, sau đó xoa bóp vùng bị co cứng.
Nếu chuột rút ở đùi, nhờ người một tay đỡ gót chân để làm cho đầu gối của mình căng thẳng, còn một tay ấn đầu gối xuống dưới. Tiếp sau xoa nắn nơi co cơ.
Nếu co cứng bàn chân thì cầm đầu các ngón chân (3 hoặc cả 5 ngón) kéo nhẹ, cố gắng đứng dậy và đứng thẳng người một lúc, giữ cho gót chân không chạm đất. Trường hợp chuột rút chân khi mới thức dậy (còn đang ở trên giường) thì ngồi hoặc nằm dài, tay nắm các ngón chân và gắng vươn dài bàn chân (vì co quắp kéo vẹo…).
Gặp chuột rút ở chân, sau khi xoa bóp, kéo, đẩy, nơi tổn thương tạm ổn, có thể đứng thẳng và bước lùi vài bước như cầu thủ bóng đá trên sân cỏ vẫn thường làm.
Chuột rút ở bàn tay (ít xảy ra) các ngón tay bị co cứng đờ. Hãy kéo nhẹ các ngón tay, rồi xoa bóp bàn tay.
Để tránh “chuột rút”, cần thường xuyên tập thể dục, có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống thích hợp.
Ý kiến bạn đọc