Multimedia Đọc Báo in

Bệnh gai cột sống và cách phòng ngừa

09:41, 25/05/2011

Cột sống là một trục chống đỡ của cơ thể giúp ta có thể cúi, ngửa hoặc vặn mình. Cột sống cần phải uốn cong được, chính vì vậy mà nó không phải là một khúc xương dài như ở tay chân mà là một cột được tạo ra bởi các đốt sống xếp chồng lên nhau. Giữa các đốt sống là đĩa đệm. Đĩa đệm có hình giống cái đĩa, bên ngoài là một bao xơ dày và chắc, trong ruột là chất nhầy, gần giống như tròng trắng trứng gọi là nhân nhầy. Khi bao xơ bị rách, nhân nhầy bên trong sẽ thoát ra ngoài, tạo thành một khối gọi là khối thoát vị. Khi khối thoát vị lồi ra, sẽ kéo theo màng xương cạnh nó và lâu ngày xương sẽ mọc ra theo, tạo thành những vành xương mà trên phim X-quang ta nhìn thấy như những cái gai nên gọi là "gai" cột sống. Gai thường xuất hiện ở đốt sống cổ và thắt lưng.

Gai cột sống không phải là một bệnh mà là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau.
Nguyên nhân chính tạo ra gai cột sống: Thoái hóa cột sống nguyên phát ở người lớn tuổi; viêm khớp cột sống mãn tính ; Chấn thương cột sống. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như: tăng cân do béo phì, loãng xương, mãn kinh… Gai cột sống có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường sau 45 tuổi. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường (làm công việc phải khuân vác nặng, ngồi nhiều, đứng nhiều...), yếu tố gia đình.

Đa số các trường hợp gai cột sống không gây ra biểu hiện gì. Một số ít trường hợp gai cột sống có các biểu hiện sau: Đau, thường ở vùng cổ lan xuống vai, nếu là gai cột sống cổ. Đau ở vùng thắt lưng, nếu là gai cột sống thắt lưng. Đôi khi gai cột sống còn chèn ép vào thần kinh nên bệnh nhân có các triệu chứng về thần kinh như: Tê bì từ cổ, gáy xuống vai, xuống cánh tay hoặc đau nhức tê bì từ vùng thắt lưng xuống đùi, cẳng chân rồi xuống bàn chân, mất cảm giác tay hoặc chân, rối loạn đại tiểu tiện
Thông thường gai cột sống xuất hiện ở phía trước hoặc bên của đốt sống, nên gai cột sống hầu như không cọ sát với rễ dây thần kinh ở phía sau. Trong một số trường hợp gai cột sống bị gãy, mảnh gãy đè vào thần kinh gây ra các triệu chứng thần kinh như: tê bì hoặc mất cảm giác một tay, một chân hoặc rối loạn đại tiểu tiện

Để phòng ngừa và điều trị gai cột sống cần :
- Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là các chất giàu canxi. Giảm cân nếu béo phì để giảm chịu lực của cột sống. Tập thể dục đặc biệt là các động tác cử động vùng cột sống cổ và vùng cột sống thắt lưng.  Tránh các tư thế đứng, ngồi khom lưng, khuân vác nặng, quá lâu khi làm việc để không gây áp lực lên cột sống.

- Hạn chế khiêng vác nặng gây ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng, tránh đội những vật nặng trên đầu gây ảnh hưởng cột sống cổ. Tránh các chấn thương ở vùng cột sống do chơi thể thao hoặc tai nạn.
Khi bị gai cột sống nên dùng thuốc kết hợp với phương pháp châm cứu, vật lý trị liệu, tập thể dục hoặc chơi những môn thể thao nhẹ nhàng thường xuyên. Hạn chế làm việc nặng như bê vác hay nhảy cao. Các biện pháp mát xa, vật lý trị liệu bằng hồng ngoại, sóng ngắn, tập phục hồi chức năng là các biện pháp áp dụng tốt. Chế độ ăn nên hạn chế các chất béo để tránh tăng cân béo phì, nên ăn nhiều rau quả.

Nếu gai cột sống chèn ép hệ thần kinh:  Phẫu thuật cắt bỏ gai cột sống theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên trong trường hợp này phẫu thuật chỉ nhằm để giải quyết vấn đề chèn ép dây thần kinh hoặc tủy sống vì sau đó gai cột sống có thể mọc lại.

Khi nghi ngờ bị bệnh gai cột sống, tốt nhất người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế có uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị. Gai cột sống là một quá trình lão hóa tự nhiên theo thời gian, tuổi tác nên rất khó tránh khỏi. Tuy nhiên nhiều người có gai cột sống nhưng không đau và khỏe mạnh nhờ họ có chế độ dinh dưỡng hợp lý, biết giữ cho cột sống khỏe.

Hồng Vân (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc