Nhân “Ngày Thế giới không thuốc lá”
Những mối nguy hại từ thuốc lá
Từ năm 1987, các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề ra “Ngày Thế giới không thuốc lá” nhằm thu hút sự chú ý của tất cả mọi người để phòng ngừa đối với nạn dịch thuốc lá và các bệnh tật, chết chóc do thuốc lá gây ra. Từ đó, ngày 31-5 hằng năm được chọn là “Ngày Thế giới không thuốc lá”. Đây là một cơ hội để nêu bật thông điệp về kiểm soát thuốc lá và thúc đẩy sự tuân thủ Hiệp ước Khung WHO về Kiểm soát thuốc lá. Sử dụng thuốc lá là đại dịch hàng đầu có thể phòng ngừa được mà y tế công cộng đang phải đối mặt. “Ngày Thế giới không thuốc lá” ngoài việc tuyên truyền về mối nguy hiểm của việc sử dụng thuốc lá còn có các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá và các hành động mà công chúng trên thế giới có thể làm để đòi quyền bảo vệ sức khỏe, cuộc sống khỏe mạnh và bảo vệ các thế hệ tương lai.
Theo WHO, mỗi năm trên thế giới có hơn 5 triệu người chết do sử dụng thuốc lá - nhiều hơn cả số người chết do HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại. Thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng hợp pháp duy nhất gây chết người khi nó được sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Các nhà khoa học đã cảnh báo, có tới một nửa số người hút thuốc sẽ chết vì những bệnh liên quan đến thuốc lá. Khói thuốc thụ động cũng gây tác hại cho tất cả những người hít phải khói thuốc.
Việt Nam hiện là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất trên thế giới (56,1%). Những năm gần đây, xu hướng phụ nữ tham gia hút thuốc đang gia tăng. Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, gần gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ mỗi năm. Tổng chi phí xã hội cho ba loại bệnh phổ biến có nguyên nhân từ hút thuốc lá gồm: Ung thư phổi, nhồi máu cơ tim và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra là 1.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương với khoảng 20% tổng chi tiêu ngân sách cho y tế.
Mặc dù hằng năm, các hoạt động cảnh báo nguy hại của thuốc lá và giảm tiêu thụ thuốc lá được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam tiến hành tương đối “rầm rộ”, nhưng hiệu quả mang lại thì còn rất hạn chế. Ngay từ những thập niên cuối của thế kỷ 20, “Ngày Thế giới không thuốc lá” hằng năm đều có những chủ đề nhất định. Riêng thông điệp của năm 2011 là “Thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá” nhằm mục đích vận động các quốc gia thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mà các quốc gia đã cam kết khi tham gia Công ước. Các biện pháp này bao gồm: Thực thi môi trường hoàn toàn không có khói thuốc lá; tăng thuế thuốc lá; in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá... Các giải pháp này cũng là 5 vấn đề ưu tiên trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá hiện nay tại nước ta. Bộ Y tế cho biết, Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá thời gian tới sẽ phổ biến và thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá/thuốc lào ở nơi có quy định cấm theo Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ; đưa tiêu chuẩn không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, nhân viên cơ quan. Bộ Y tế cũng đề nghị các ngành có liên quan chỉ đạo lồng ghép phong trào xây dựng Làng văn hoá - Sức khỏe xây dựng cộng đồng dân cư không có người hút thuốc lá, thuốc lào; vận động nhân dân tổ chức đám cưới, đám tang và lễ hội không thuốc lá.
Thuốc lá không chỉ gây hại đối với nam giới, nó còn có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nữ giới. Ảnh hưởng dễ thấy nhất là vẻ đẹp và các chức năng sinh sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những phụ nữ trực tiếp hút thuốc lá hay phải chịu cảnh hút thuốc lá thụ động nhiều năm liền do sống chung hay làm việc cùng với những người hút thuốc, làm việc trong quán cà-phê, karaoke, quán bia rượu.... đều bị ảnh hưởng đến vẻ đẹp của làn da. Chất nicotin có trong thuốc lá khiến sự đàn hồi của những sợi collagen trong da trở nên kém hơn, lượng nước trong da cũng bị hạn chế, khiến cho da của những người này thường nhanh lão hóa, nhăn nheo, các vết nám sớm xuất hiện. Hút thuốc ảnh hưởng lên sức khỏe sinh sản của phụ nữ bằng nhiều con đường. Hút thuốc làm giảm hàm lượng hormon sinh dục estrogen và một số hormon khác có liên quan đến chức năng sinh sản. Khả năng thụ thai ở phụ nữ hút thuốc thấp hơn 25% so với phụ nữ không hút thuốc vì các chất có trong khói thuốc lá có thể làm thay đổi thành phần môi trường ở vòi trứng, nơi diễn ra sự thụ thai. Nếu hút thuốc trong thời kỳ mang thai thì nguy cơ bị sảy thai có thể cao hơn 10 lần so với phụ nữ không hút thuốc, nguyên nhân chính là do bào thai bị thiếu ôxy vì máu nuôi dưỡng bào thai có chứa nhiều khí CO từ khói thuốc lá do mẹ hút. Ngoài ra, bào thai còn bị ngộ độc do các chất độc khác chứa trong khói thuốc. Những đứa trẻ sinh ra từ những phụ nữ hút thuốc thường nhẹ cân hơn, và là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, thuốc lá còn làm Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính đối với phụ nữ. Khói thuốc lá làm phụ nữ cũng có nguy cơ bị mắc các bệnh mạn tính do khói thuốc như ở đàn ông, đó là: ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, viêm phế quản mạn, giãn phế quản... Ở những người phụ nữ hút thuốc hay trước đó nghiện thuốc thường có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn những phụ nữ không bị ảnh hưởng khói thuốc lá, làm xương giòn và trở nên dễ gãy, đặc biệt là khi bước vào tuổi mãn kinh. Hiện tượng mãn kinh xuất hiện sớm hơn so với phụ nữ không hút thuốc trung bình 1/2 năm. Theo các nhà y học thì hiện tượng này là do ở những phụ nữ hút thuốc có hàm lượng estrogen thấp. Những phụ nữ nghiện thuốc kết hợp với thể trạng gầy còm (lượng mỡ trong cơ thể đạt dưới ngưỡng sinh lý cần thiết) thì hàm lượng hormon sinh dục nữ estrogen có thể bị giảm rất trầm trọng, những phụ nữ này thường có những biểu hiện rối loạn chu kỳ kinh nguyệt như hiếm kinh, mất kinh. Hút thuốc kết hợp với dùng các thuốc tránh thai sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Dùng thuốc tránh thai hằng ngày với những phụ nữ không hút thuốc thì không có hại gì, còn đối với phụ nữ hút thuốc mà sử dụng thuốc tránh thai sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là với những phụ nữ dưới 30 tuổi. Vấn đề là ở chỗ, thuốc tránh thai kết hợp với chất nicotin có trong thành phần của thuốc lá gây nên những thay đổi trong máu, làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông trong các động mạch, hậu quả có thể xuất hiện nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Tóm lại, nếu bạn không hút thuốc thì đừng bao giờ hút, nếu bạn là người hút thuốc thì hãy bỏ ngay vì hút thuốc gây rất nhiều tác hại cho sức khỏe. Bỏ thuốc là một vấn đề khó khăn đối với nhiều người nghiện thuốc, tuy nhiên hãy cố gắng làm điều đó vì một cuộc sống lành mạnh.
Ý kiến bạn đọc