Ung thư ruột già và ruột cùng
Ruột già (đại tràng) và ruột cùng (trực tràng) là phần cuối của ống tiêu hóa, thường hay bị ung thư. Bệnh xuất phát từ lớp mô lót mặt trong của ruột (màng nhầy – niêm mạc), khi bướu lớn dần thì nhô ra trong lòng ruột, nên khi phân đi qua cọ vào bướu gây chảy máu, đến một lúc nào đó thì có thể làm bít lòng ruột, gây nên triệu chứng tắc ruột.
Bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng như: đi cầu phân máu (phân dính máu sậm hay máu đỏ), đau bụng ngầm ngầm, hoặc có khi táo bón xen kẽ với tiêu chảy trở đi trở lại hoài. Nếu đi cầu ra máu nhiều kéo dài thì người bệnh trở nên mệt mỏi, suy nhược, xanh xao.
Trong thực tế, khi thầy thuốc nhận bệnh tìm hiểu bệnh sử thì thấy phần lớn người bệnh đều có triệu chứng từ 6 tháng đến 1 năm hoặc lâu hơn nữa với lời kể của người bệnh đã từng điều trị với các bệnh lý trước đó như: viêm đại tràng mãn, trĩ, mạch lươn, kiết lỵ… Cũng có rất nhiều trường hợp đến nhập viện rất muộn khi đã có biến chứng xảy ra như: tắc ruột, viêm phúc mạc do vỡ khối ung thư vào bụng hay chảy máu đường tiêu hóa dưới.
Làm sao biết chắc chắn căn bệnh? Thường một người trên 40 tuổi kể ra các triệu chứng ở trên, bác sĩ dùng ngón tay mang găng thăm khám ruột cùng thông qua hậu môn, không đau đớn gì cả, có thể sờ thấy được khối bướu sần sùi, khi rút tay ra có máu dính theo. Hoặc dùng nội soi để quan sát phát hiện được khối bướu, qua đó sẽ lấy một miếng bướu làm sinh thiết. Có khi cần phải chụp nguyên cả chiều dài của ruột già và ruột cùng bằng bơm chất cản quang vào ruột qua hậu môn (gọi là chụp khung đại tràng có cản quang) để phát hiện khối bướu và vị trí của nó. Ngoài ra người bệnh còn được làm siêu âm và chụp CT bụng để đánh giá chính xác bệnh ở giai đoạn nào.
Điều trị ung thư ruột già và ruột cùng chủ yếu là mổ. Người bệnh được mổ để không những cắt bỏ khúc ruột mang khối bướu ung thư mà cả những hạch vùng mà ung thư lan tới. Khi ung thư gần hậu môn thì người bệnh được cắt bỏ cả ruột cùng và hậu môn, đem một đầu ruột ra ngoài thành bụng để làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Ngoài ra người bệnh còn được điều trị bằng tia xạ và hóa chất. Nhưng các biện pháp này chỉ đóng vai trò thứ yếu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuy chưa tìm ra được nguyên nhân chính, nhưng có nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ dinh dưỡng có chứa nhiều thịt nạc, mỡ, tinh bột và thức ăn chế biến sẵn thì dễ bị ung thư ruột già và ruột cùng nhiều hơn chế độ ăn ít thịt nạc, nhiều rau va trái cây. Các bệnh lý của ruột già như: viêm loét đại tràng mãn tính, đa pôlýp đại tràng thì cũng có tỷ lệ ung thư cao hơn người thường. Tìm máu ẩn trong phân, nội soi ruột già và chụp ruột già đối quang kép là các biện pháp để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
(Khoa Ngoại Tổng quát – BV Đa khoa tỉnh)
Ý kiến bạn đọc