Multimedia Đọc Báo in

Dấu hiệu rối loạn chức năng dạ dày

15:08, 16/06/2011

Rối loạn chức năng dạ dày chiếm xấp xỉ 50% số bệnh nhân đến khám bị rối loạn tiêu hóa và thường gặp ở các đối tượng là người trẻ, nhất là lứa tuổi dậy thì; người có trạng thái thần kinh dễ xúc cảm hoặc người có trạng thái rối loạn thần kinh thực vật.

Dạ dày đảm nhận hai chức năng chính là tiết dịch và vận động. Khi hai chức năng này hoạt động không nhịp nhàng do một nguyên nhân nào đó sẽ dẫn đến hiện tượng rối loạn, có thể là rối loạn chức năng hay rối loạn tiết dịch đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ điều trị. Rối loạn chức năng dạ dày có thể gặp trong nhiều trường hợp, có thể do tâm lý hoặc do bệnh lý. Nếu rối loạn chức năng dạ dày do những yếu tố thần kinh tâm thần (bực tức, phẫn nộ hay sợ hãi, các sang chấn tâm lý ở các mức độ khác nhau...) gây nên được gọi là rối loạn chức năng dạ dày nguyên phát. Trường hợp rối loạn chức năng dạ dày xảy ra  sau các bệnh mạn tính (viêm đại tràng mạn, viêm ruột thừa mạn, viêm tụy mạn, viêm túi mật mạn,viêm gan mạn) hoặc do sai lầm trong ăn uống (ăn vội vã, nhai không kỹ, giờ giấc ăn thất thường, lao động nặng nhọc ngay sau bữa ăn, ăn nhiều gia vị, uống nhiều rượu bia...) được coi là rối loạn thứ phát.

Các biểu hiện của rối loạn dạ dày rất đa dạng, phụ thuộc chủ yếu vào nhóm nguyên nhân. Dưới đây là một số biểu hiện thường thấy của rối loạn chức năng dạ dày và cách chữa trị:

Giãn dạ dày cấp: thường xuất hiện sau chấn thương ổ bụng (mổ, vết thương); viêm tụy có mủ; ăn hoặc uống quá mức kéo dài. Biểu hiện chủ yếu là đau thượng vị dữ dội, đột ngột như đau bụng cấp hoặc đau bụng âm ỉ, ậm ạch; nôn nhiều, kéo dài gây rối loạn nước và điện giải, có thể dẫn đến tử vong. Khi chụp X-quang sẽ thấy dạ dày giãn to, ứ đọng thức ăn, dịch. Trường hợp này cần điều trị ở tuyến chuyên khoa.

Tăng toan: xuất hiện do căng thẳng thần kinh, tâm thần, nghiện thuốc lá; loét dạ dày, hành tá tràng, viêm dạ dày giai đoạn đầu. Biểu hiện chủ yếu là đau thượng vị, cảm giác nặng bụng, HCl tự do tăng trên 40mEq. Khi bị tăng toan nên dùng các thuốc giảm tiết, băng se niêm mạc dạ dày, sinh tố và an thần. Đồng thời, thực hiện chế độ ăn uống điều độ và bỏ thuốc lá.

Tăng trương lực dạ dày: nguyên nhân do chấn thương tâm thần, nhiễm độc chì, thiếc mạn tính; trong các cơn đau quặn gan, thận; trong bệnh viêm loét dạ dày, đại tràng. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đau thượng vị thường xuyên, tăng khi xúc động, khi lao động; buồn nôn, nôn, ợ chua, ợ hơi. Khi chụp X-quang sẽ thấy dạ dày hình sừng bò. Để điều trị chứng bệnh này nên kiêng ăn uống các chất kích thích mạnh và dùng thêm thuốc an thần, chống co thắt cơ trơn.

Giảm trương lực dạ dày: thường xuất hiện sau chấn thương các loại; sau căng thẳng thần kinh tâm thần; bội thực sau một thời gian dài nhịn đói; sau một số bệnh lý như viêm đường mật, viêm tụy, viêm dạ dày. Các biểu hiện chính của bệnh là mệt mỏi, giảm sức lao động, khó ngủ; cảm giác đầy bụng, ậm ạch, đau lâm râm, ăn kém, chóng no, buồn nôn, nóng rát, ợ hơi, chướng bụng. Khi chụp X-quang phát hiện dạ dày giãn dài, co bóp yếu. Cách điều trị là sử dụng thể dục liệu pháp, xoa bóp, lý liệu; thực hiện ăn uống điều độ; dùng thuốc vận động và vitamin nhóm B.

Co thắt môn vị: nguyên nhân do loét dạ dày tá tràng, polyp dạ dày; viêm dạ dày tăng toan; viêm đại tràng mạn; nghiện thuốc lá nặng; thiếu vitamin B1. Các triệu chứng là đau hạ sườn phải giống đau quặn gan; nôn nhiều gây rối loạn điện giải, kiềm máu; có thể sờ thấy một khối u rắn ở hạ sườn trong cơn đau. Chụp X-quang thấy ứ đọng baryt ở dạ dày. Cách điều trị: dùng thuốc an thần, giãn cơ và truyền dịch khi nôn nhiều; ăn uống nhẹ, tránh các chất kích thích.

Chậm tiêu: bệnh cảnh lâm sàng chính là cảm giác đau và khó chịu vùng bụng, nhất là vùng thượng vị sau ăn bao gồm nhiều mức độ khác nhau từ cảm giác khó chịu, nóng ran, đau tức hoặc cảm giác căng tức, bệnh nhân có cảm giác mau no, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng kéo dài trên 3 tháng, với ít nhất trên 3 đợt. 

K.D (nguồn SK&ĐS)


Ý kiến bạn đọc