Multimedia Đọc Báo in

Dịch bệnh trên người ngày càng bất thường, nguy hiểm

14:36, 08/06/2011

Theo Cục Y tế dự phòng, tình hình dịch bệnh trên người hiện vẫn đang diễn ra rất phức tạp trên phạm vi cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2011, dù số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) giảm hơn 6% so với năm ngoái, nhưng cả nước đã có trên 15.000 người mắc, với 11 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, dịch SXH không chỉ có số người mắc bệnh cao ở khu vực phía Nam mà ngay cả miền Bắc dịch cũng đã có dấu hiệu đáng lo ngại. Thông thường ở phía Bắc, SXH thường bùng phát vào thời điểm từ  tháng 6 đến tháng 11, nhưng năm nay, ngay từ những tháng đầu năm, nhiều tỉnh phía Bắc đã ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc SXH. 

Cùng với dịch SXH, tại khu vực phía Nam, số người mắc và tử vong do bệnh chân - tay - miệng (CTM) cũng đang gia tăng mạnh mẽ với những phát hiện mới về sự thay đổi độc lực của virut. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến đầu tháng 6-2011, cả nước đã ghi nhận được hơn 6.100 ca mắc CTM tại 30 địa phương, trong đó có 19 trường hợp tử vong (gồm 17 ca ở các tỉnh phía Nam và 2 ca ở Quảng Ngãi). Đáng ngại hơn, chỉ trong vòng một tuần qua, đã có thêm gần 1.000 trường hợp  mắc CTM được ghi nhận tại 25 địa phương. Trong đó qua điều tra dịch tễ, khu vực phía Nam vẫn chiếm tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất, lên tới trên 96%.

Dù chưa phải là đỉnh điểm của dịch nhưng số người mắc SXH đang gia tăng mạnh trên cả nước. Ảnh: K.O

Trong khi đó, liên quan tới chủng vi khuẩn E.coli mới được phát hiện gây dịch nhiễm trùng đường ruột trên người tại nhiều nước châu Âu, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nay, chủng vi khuẩn E.coli mới ở châu Âu chưa phát hiện ở Việt Nam, nhưng không loại trừ nguy cơ vi khuẩn nguy hiểm này có thể xâm nhập vào nước ta, hay biến đổi nguy hiểm hơn. Hơn nữa, hiện nay, tại Việt Nam, vi khuẩn E.coli vẫn đang tồn tại và lưu hành ở khắp nơi, trong nhiều nguồn nước thải, nước ao hồ, sông suối, đất và nhiều loại thực phẩm, rau xanh. Liên quan đến dịch bệnh này, mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chính thức khuyến cáo về chủng vi khuẩn E.coli mới đang gây dịch nhiễm khuẩn đường ruột tại châu Âu hiện nay là một chủng vi khuẩn mới, chưa từng được phát hiện ở bệnh nhân trước đây. Kết quả sơ bộ việc phân tích chuỗi gen cho thấy, chủng vi khuẩn mới này là dạng đột biến của hai chủng vi khuẩn E.Coli khác nhau. Chúng có những đặc tính nguy hiểm hơn nhiều so với hàng trăm loại chủng vi khuẩn E.Coli trong ruột người.

Theo TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, những năm gần đây, đặc biệt là sau năm 2000, các chuyên gia về sức khỏe đã quan tâm đến 2 nhóm bệnh là các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi. Các nhóm bệnh này chủ yếu là cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, CTM và các bệnh do vi khuẩn liên cầu lợn… Đây là những bệnh mà từ trước đến nay ít gặp hoặc chưa xuất hiện nhiều như bây giờ. Nhiều người cho rằng có lẽ do biến đổi của khí hậu và do miễn dịch ở mỗi người chưa có nên khi xuất hiện mầm bệnh thì dễ dàng mắc phải. Không những thế, TS Kính còn cho biết, có những bệnh tưởng chừng đã kiểm soát được nhờ các biện pháp phòng bệnh nhưng một số năm gần đây xuất hiện trở lại (gọi là bệnh tái nổi) và gia tăng nhanh số người mắc. Cụ thể như tả, sởi, Rubella, sốt xuất huyết, sốt rét… Vì thế, năm 2010, một chiến dịch tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vắc-xin DPT (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván) và  tiêm vắc-xin sởi liều 2 đối với trẻ từ 18 tháng tuổi đã được triển khai toàn quốc để tăng khả năng phòng bệnh.

Sử dụng thức ăn đường phố không bảo đảm VSATTP là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn E.Coli. Ảnh: K.O

Các chuyên gia dịch tễ cho biết, trong các nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh lây lan còn phải kể đến lý do không ít người chủ quan do không kịp thời phòng bệnh. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, nhất là phụ nữ mang thai và trẻ em. Cùng với đó là thực hiện vệ sinh môi trường, tăng cường nguồn nước sạch trong sinh hoạt; đồng thời, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện ăn chín uống sôi để ngăn ngừa nhiễm mầm bệnh trong môi trường. Với những trường hợp bị nhiễm vi khuẩn E.Coli, việc điều trị chủ yếu bằng bù nước và điện giải. Khi nhiễm E.Coli, người bệnh cần bù nước bằng dung dịch oresol hoặc viên hydrite (pha theo đúng hướng dẫn sử dụng). Đặc biệt, không được sử dụng thuốc “cầm” tiêu chảy vì uống thuốc làm cho quá trình đào thải chậm lại, tạo cơ hội cho cơ thể hấp thu độc tố do vi khuẩn E.Coli sản xuất.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.