Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa bệnh quai bị

08:56, 15/06/2011

Cùng với các bệnh đường hô hấp, tiêu chảy thì bệnh quai bị cũng đã bắt đầu xuất hiện trong mùa nắng nóng. Quai bị là một bệnh nhiễm trùng do vi rút gây ra, biểu hiện bằng sưng một hay nhiều tuyến nước bọt, thường gặp nhất là các tuyến mang tai, đôi khi cả tuyến dưới lưỡi và tuyến dưới hàm trên. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp viêm tuyến nước bọt mang tai đều do vi rút quai bị gây nên.

Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi… vi rút theo nước bọt bắn ra, người lành hít phải và vi rút xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Bệnh có thể bùng lên thành dịch ở những nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học).

Sau khi tiếp xúc với vi rút quai bị khoảng 14-24 ngày người bệnh có cảm giác khó chịu như ăn kém, ngủ kém, người khó chịu, sốt nhẹ, đau góc hàm, đau tuyến mang tai, góc hàm sưng to dần lên. Tuyến mang tai có thể sưng một hay hai bên và cũng có thể cả hai bên cùng sưng lên một lần hoặc một bên chuẩn bị xẹp thì bên kia sẽ sưng. Bệnh thường xảy ra bao gồm 4 thời kỳ như sau:

1.Thời kỳ ủ bệnh từ 12-25 ngày, thông thường là 18 ngày, thời kỳ này không có biểu hiện các triệu chứng lâm sàng.

2.Thời kì khởi phát: Đột ngột với các triệu chứng ăn kém, ngủ kém, người khó chịu, sốt nhẹ, đau góc hàm, đau tuyến mang tai.

3.Thời kỳ toàn phát: Tuyến mang tai đau nhức lan xuống dưới hàm và dưới hàm sưng to, da đỏ, lấy tay ấn vào ta có cảm giác đàn hồi. Bệnh nhân sốt 38-390C, đau nhức nhiều, chán ăn, đau họng, khó nhai, khó nuốt và có thể có hạch nổi ở sau tai, góc hàm sưng to và đau nhiều.

4.Thời kỳ phục hồi: Sau 7-9 ngày chỗ sưng ở góc hàm nhỏ dần, đau giảm, các dấu hiệu đau họng, khó nuốt giảm dần và khỏi hẳn (nếu không có biến chứng).

Bệnh quai bị có thể gây ra một số biến chứng như viêm màng não, viêm tinh hoàn, viêm tụy. Nếu phụ nữ đang mang thai mắc bệnh quai bị trong vòng 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sảy thai hoặc sinh con dị dạng, bị bệnh trong vòng 3 tháng cuối có thể sinh non hoặc thai chết lưu.

Bệnh chủ yếu là theo dõi tại nhà, cho người bệnh uống thuốc hạ sốt, ăn thức ăn mềm. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Đặc biệt không nên vận động nhiều, nhất là các trẻ lớn để tránh các biến chứng như viêm màng não, viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng... Cần cách ly người bệnh trong vòng 2 tuần kể từ khi phát hiện bệnh. Khi thấy người bệnh nôn nhiều, đau đầu, đau vùng bìu, đau bụng ngay cả khi vùng sưng ở mang tai đã giảm thì nên đưa đến cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng.

Lưu ý: Không bôi mực tàu, nhọ nhồi lên vùng bị sưng hay đắp vôi, lá cây, dán cao dán vào vùng sưng. Những biện pháp trên có thể gây nóng, phỏng da, nhiễm trùng vùng sưng do vi trùng xâm nhập vào tuyến mang tai đang viêm sẽ làm nặng hơn và có thể gây nhiễm trùng.

Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vacxin cho trẻ đầy đủ: Lịch tiêm như sau:

Nếu tiêm khi trẻ 12 tháng tuổi (tiêm 2 lần): Tiêm mũi 1 khi trẻ 12 tháng tuổi; tiêm mũi 2 khi trẻ 4-6 tuổi.

Nếu tiêm khi trẻ mới 9 tháng tuổi (tiêm làm 3 lần), cụ thể: Tiêm mũi 1 khi trẻ 9 tháng tuổi; tiêm mũi 2 sau mũi 1 một tuần; mũi 3 khi trẻ 4-6 tuổi.

Khi phát hiện bệnh cần cách ly bệnh nhân 2 tuần trong phòng riêng. Nếu triệu chứng sưng giảm thì có thể rút ngắn thời gian cách ly. Bệnh nhân nên nghỉ học hay nghỉ làm trong 9 ngày kể từ khi sưng tuyến mang tai. Những đồ dùng bị nhiễm dịch tiết đường mũi họng của bệnh nhân cần phải được sát trùng, tẩy uế.

Hồng Vân (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.