Tìm hiểu ung thư gan
Ung thư gan là một trong các bệnh ác tính phổ biến nhất trên thế giới, chẩn đoán khó, thường được phát hiện muộn, tiên lượng rất xấu, tỷ lệ tử vong cao và tử vong trong một thời gian ngắn kể từ khi bệnh được phát hiện.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư gan đứng hàng thứ 5 ở nam và hàng thứ 9 ở nữ, số lượng người mới mắc ước tính hằng năm vào khoảng 600.000 người (khoảng 400.000 là nam và 200.000 là nữ). Tỷ lệ mắc khác nhau tùy theo khu vực địa lý trên thế giới, khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở châu Á (nhất là Đông Nam Á, trong đó riêng Trung Quốc đã chiếm 50% số trường hợp), châu Phi (nhất là nam Sa mạc Sahara) chiếm 12%, trong khi đó châu Âu chỉ chiếm 9% và Bắc Mỹ chiếm 2% số trường hợp.
Tại Việt Nam, hiện chưa có thống kê đầy đủ trên toàn quốc về ung thư gan. Tại Hà Nội, ung thư gan đứng hàng thứ 3 ở nam giới và hàng thứ 6 ở nữ giới. Tại Huế, ung thư gan là loại ung thư phổ biến nhất trong các loại ung thư thuộc hệ tiêu hóa, đứng hàng thứ hai sau ung thư dạ dày. Tại TP. Hồ Chí Minh, ung thư gan chiếm hàng đầu trong các loại ung thư ở nam giới; tuổi hay gặp của ung thư gan là 50-60 tuổi.
Các yếu tố nguy cơ của ung thư gan là: viêm gan do vi rút (đặc biệt là vi rút viêm gan B và C), uống rượu, bia trong nhiều năm, nhiễm nấm Aflatoxin (AF), xơ gan và các bệnh gan mãn tính, nhiễm chất độc màu da cam (dioxin)… Trong đó nhiễm vi rút viêm gan được coi là yếu tố hàng đầu gây nên ung thư gan.
Thường người bệnh vào viện khi ở giai đoạn muộn với các triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, sút cân, xanh xao, đau bụng, có khối u ở dưới bờ sườn bên phải, bụng báng, da sạm hay vàng. Ngoài ra, có một số bệnh nhân nhập viện khi đã xảy ra biến chứng như: vỡ khối u gây chảy máu trong ổ bụng hay chảy máu đường tiêu hóa. Một số khác thì do tình cờ mà phát hiện được.
Chẩn đoán người bệnh bị ung thư gan dựa vào khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm, xét nghiệm máu, chức năng gan, CT bụng, nội soi, sinh thiết.
Điều trị ung thư gan hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, kết quả còn hạn chế, thời gian sống thêm sau điều trị còn ngắn. Các biện pháp điều trị bao gồm: cắt bỏ một phần gan có khối u, tiêm cồn qua da và khối u, tiêm axit axetic vào khối u, đốt điện cao tần bằng cách đưa điện cực vào khối u, tắc mạch chọn lọc bằng hóa chất, điều trị bằng Y học cổ truyền và ghép gan.
Chính vì những lý do trên nên việc phòng ngừa ung thư gan có vai trò hết sức quan trọng. Cần phải tránh tất cả các yếu tố nguy cơ của bệnh như: tránh lây nhiễm vi rút viêm gan B và C bằng các biện pháp vệ sinh, không dùng kim tiêm chung, dao cạo râu, kim châm cứu, dụng cụ khám chữa răng, nội soi; vệ sinh tình dục, bài trừ ma túy, mại dâm. Tạo miễn dịch bằng chủng ngừa vaccin phòng viêm gan B, C. Ngoài ra, cần phải điều trị tốt các bệnh gan mãn, không để bệnh tiến triển xơ gan. Khi đã bị xơ gan, điều trị tích cực để làm chậm quá trình tiến triển đến ung thư.
(Bệnh viện Đa khoa tỉnh)
Ý kiến bạn đọc