Multimedia Đọc Báo in

Quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh tay, chân, miệng

18:00, 05/08/2011

Mặc dù chưa phải là đỉnh điểm của dịch, song đến thời điểm này dịch bệnh tay, chân, miệng (TCM) ở Dak Lak đang có những diễn biến phức tạp, khó lường với số trường hợp mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt đã có 1 ca tử vong. Qua cuộc phỏng vấn nhanh của phóng viên Báo Dak Lak, Phó Giám đốc Sở Y tế Cao Minh Toàn đã khái quát tình hình dịch bệnh và những giải pháp của ngành Y tế trong phòng, chống dịch bệnh TCM trên địa bàn.

Bác sĩ Cao Minh Toàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Dak Lak.

* Ông có nhận định gì về diễn biến của dịch bệnh TCM ở Dak Lak và những biện pháp để phòng, chống dịch bệnh này?

Bệnh TCM ở Dak Lak khởi phát từ 15-6 và hiện đã có 14/15 huyện xuất hiện bệnh TCM. Đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận gần 300 trường hợp mắc TCM và 1 trường hợp tử vong. TP. Buôn Ma Thuột có số ca bệnh TCM nhiều nhất (1/3 tổng số ca mắc của toàn tỉnh), tiếp đó là huyện Krông Buk với gần 50 trường hợp. Trong thời gian đầu bệnh TCM có diễn biến rất nhanh, có tuần lên đến hơn 100 ca được phát hiện. Đặc biệt, các ca bệnh có những thay đổi từ chỗ bình thường sang bất thường rất nhanh, nếu không cảnh giác nguy cơ tử vong sẽ rất lớn. Vì đặc điểm của TCM lây truyền qua thực phẩm theo cơ chế phân và miệng, nên việc phòng bệnh TCM chủ yếu là phòng về đường tiêu hóa, ăn uống, vệ sinh, tiếp cận. Nếu cắt được đường lây sẽ chấm dứt được dịch. Tuy nhiên, thời điểm này chưa phải là đỉnh của dịch nên toàn tỉnh vẫn phải tiếp tục cảnh giác với bệnh  TCM.

Hiện tại, Ban phòng, chống dịch bệnh TCM của ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ra chỉ thị chỉ đạo các địa phương về tình hình bệnh TCM trên địa bàn và đề nghị địa phương, nhất là Ban chăm sóc sức khỏe ban đầu của các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch ngăn ngừa. Đồng thời,  triển khai tập huấn cho cán bộ y tế về bệnh TCM. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã cùng với ngành Giáo dục soạn thảo các văn bản liên ngành để chỉ đạo các trường học và các cơ quan y tế địa phương phối hợp tuyên truyền và chuẩn bị một số nội dung theo hướng phòng lây lan bệnh TCM cho năm học mới. Nhằm tạo điều kiện cho công tác phòng, chống dịch đạt được mục tiêu chính là giảm lây lan và đặc biệt là hạn chế tử vong, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phòng chống bệnh TCM với kinh phí là 3 tỷ đồng, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, nặng hơn có thể tăng số tiền này lên 6 tỷ. Nguồn kinh phí sẽ tập trung phục vụ công tác tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông đến hộ gia đình, làm sao để các hộ gia đình, nhất là hộ gia đình có trẻ em hiểu và cảnh giác với bệnh TCM, thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân cho trẻ, giữ gìn vệ sinh ăn uống, khi bị bệnh phải đến cơ sở y tế kịp thời. Ngoài ra, ngành Y tế cũng đã dự phòng các phương án khi dịch bệnh bùng phát mạnh hơn. Cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch cũng đã được sẵn sàng, đặc biệt nguồn nhân lực ở đây phải hiểu là phòng, chống dịch TCM chứ không phải phòng dịch chung chung. Còn các bệnh viện cũng đã xây dựng những phương án đối phó với tình huống có nhiều bệnh nhân, thậm chí là rất đông bệnh nhân để công tác thu dung và điều trị cho người bệnh được kịp thời, đạt hiệu quả.

Trẻ mắc bệnh tay, chân, miệng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Dak Lak.

* Trong quá trình triển khai phòng, chống dịch bệnh, ngành Y tế phải đối mặt với những khó khăn gì, thưa ông?

Khó khăn hiện nay là các trường chưa vào học nên việc phổ biến cho giáo viên và học sinh về bệnh TCM chưa được thực hiện tập trung, chủ yếu mới tuyên truyền trong cộng đồng nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, để người dân hiểu nguyên nhân, cách lây truyền là quan trọng, từ đó cùng biết và cùng tham gia với ngành Y tế phòng, chống dịch cũng là vấn đề còn gặp nhiều khó khăn. Không có những kiến thức cơ bản về bệnh TCM rất dễ xảy ra trường hợp người dân giấu bệnh dẫn đến những bất lợi cho chính bản thân người bệnh và cộng đồng. Bởi trên thực tế, công tác giám sát phát hiện dịch là rất quan trọng, khi phát hiện được ổ dịch rồi thì việc dập tắt ổ dịch không khó, nếu thực hiện đúng các quy trình chống dịch thì ổ dịch sẽ được kiểm soát. Ví dụ điển hình là mới đây ngành Y tế đã triển khai phòng chống dịch TCM tại huyện Krông Buk, một trong những nơi ghi nhận nhiều ca bệnh TCM nhất của tỉnh. Bằng các hoạt động  phun hóa chất làm sạch môi trường, tuyên truyền làm cho người dân biết được cần phải phòng bệnh đúng theo cơ chế truyền bệnh, chỉ sau thời gian rất ngắn, ngành Y tế đã kiểm soát được dịch tại khu vực này. Hơn nữa, bệnh TCM chủ yếu lây truyền cho trẻ em dưới 15 tuổi, ít khi xảy ra ở người lớn và việc lây lan phụ thuộc vào việc tiếp xúc nhiều hay ít với mầm bệnh. Trong khi đó, hiện tại, ở tỉnh ta, nhiều trường mầm non chưa bước vào năm học mới nên việc giữ trẻ tự phát ở địa phương vẫn còn, đây cũng là một khó khăn đối với ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch. Bởi với các nhóm trẻ tự phát, rất khó kiểm soát được điều kiện vệ sinh, cô giáo và bảo mẫu lại thiếu các kiến thức phòng bệnh dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh xảy ra rất cao. 

* Vậy, theo ông đâu là yếu tố then chốt để công tác phòng, chống dịch bệnh TCM đạt hiệu quả?

Chúng tôi luôn khẳng định rằng truyền thông đến hộ gia đình là khâu đột phá, quan trọng nhất và hiệu quả nhất. Nếu làm được cho tất cả người dân, hộ gia đình, nhất là những gia đình có trẻ em hiểu được cách phòng, chống bệnh TCM thì ngành Y tế sẽ giảm bớt được gánh nặng quá tải ở bệnh viện. Bởi trên thực tế, bệnh TCM là bệnh lây truyền nhưng khác với các bệnh lây truyền khác ở chỗ không phải thông qua phương tiện trung gian và đường lây truyền rất rõ ràng (phân, miệng) nên rất dễ kiểm soát. Chính vì vậy, việc ngăn chặn dịch không khó, vấn đề là ý thức của cộng đồng, của người dân. Nếu bà con hiểu được tình hình dịch bệnh và chung sức vào việc làm sạch môi trường, giữ gìn tốt vệ sinh cho trẻ em trong gia đình thì việc ngăn chặn dịch sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nhân đây, tôi cũng xin được gửi đến cộng đồng, người dân thông điệp của ngành Y tế về phòng, chống bệnh TCM là phải cảnh giác hết sức để đề phòng bệnh lây lan, đặc biệt chú ý giữ gìn vệ sinh ăn uống và vệ sinh  cá nhân, nhất là với trẻ em, đối tượng của bệnh TCM. 

 * Xin cảm ơn ông!

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc