Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường

11:00, 01/09/2011

Ở Tây Nguyên, mùa tựu trường thường kèm theo những cơn mưa nắng bất chợt, trời đang nắng to bỗng đổ mưa ào ào… Thời tiết thất thường là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh ở trẻ như: bệnh về đường hô hấp, sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng.

Các bệnh viêm đường hô hấp cấp như: viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, viêm amidal….thường xảy ra vào thời điểm thời tiết chuyển mùa, khí hậu ẩm, lạnh là cơ hội cho các vi rút, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Bệnh viêm đường hô hấp chủ yếu do vi rút nên thường có dấu hiệu khởi phát nhanh, người bệnh sẽ có các triệu chứng như: Sốt, ho, sổ mũi ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, đau toàn thân, chán ăn, đôi khi bị rối loạn tiêu hóa. Ở trẻ em có thể bị tiêu chảy. Bệnh thường gặp nhiều ở đối tượng trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh khuyến cáo: Khi trẻ có biểu hiện ho, sốt, chảy nước mũi có thể chăm sóc trẻ ở nhà. Ví dụ trẻ ho có thể dùng  phương pháp đông y như hấp chanh với mật ong cho trẻ uống để trẻ giảm ho; trẻ sốt dùng hạ nhiệt, lau mát bằng nước ấm, cho trẻ uống thêm nhiều nước. Để phòng các bệnh về đường hô hấp, ngoài việc chủ động phòng tránh bằng cách tiêm vắcxin, mọi người cần có biện pháp tự bảo vệ sức khỏe như: Giữ ấm cho cơ thể trẻ khi trời lạnh, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất dinh dưỡng, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, hạn chế đến những nơi tụ tập đông người, cần dùng khẩu trang nếu có tiếp xúc với nguồn lây bệnh, thực hiện tốt nguyên tắc rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Bệnh tay chân miệng cũng có nguy cơ bùng phát trong mùa tựu trường.   Bệnh tay chân miệng cũng là bệnh truyền nhiễm do nhóm vi rút gây ra, lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, hoặc qua đường phân - miệng. Vi rút được đào thải qua phân tồn tại trong đất, nước, rau..., người có thể mắc bệnh do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm mầm bệnh. Biểu hiện đặc trưng của bệnh tay chân miệng là: Sốt, đau họng, lòng bàn chân, bàn tay, gối, mông nổi những vết đỏ dạng phỏng nước. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng gây nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, bại liệt khiến trẻ có thể tử vong. Để phòng bệnh tay chân miệng, gia đình và các cơ sở nuôi dạy trẻ cần nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, và vệ sinh cá nhân cho các cháu nhỏ như lau chùi đồ chơi, bàn ghế, giường tủ, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn thường xuyên; rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu, sau khi mặc, thay tã, hoặc sau khi tiếp xúc với những vết loét, phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bệnh; cách ly trẻ bệnh để tránh tình trạng bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. Khi trẻ có các biểu hiện của bệnh nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mùa tựu trường trùng với mùa mưa, cũng là thời điểm thuận lợi cho loăng quăng, muỗi phát triển gây bệnh sốt xuất nên việc phòng bệnh cũng hết sức cần thiết. Cách tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là không để muỗi đốt. Nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, khô ráo hằng ngày, nhất là gậm giường, gậm tủ...; hạn chế treo quần áo trên tường, nhất là những nơi thiếu ánh sáng; nên dùng thêm thuốc xịt muỗi, nhang trừ muỗi, vợt bắt muỗi; giữ cho sân vườn và các khu vực quanh nhà khô ráo, sạch sẽ, phát quang bụi rậm, thu gom vỏ lon, gáo dừa, lốp xe... không để chúng đọng nước.; thường xuyên lau chùi các dụng cụ chứa nước và nên nuôi cá cảnh (kiểng) để chúng ăn loăng quăng, đậy kín các dụng cụ chứa nước để hạn chế nơi muỗi sinh sản và nên ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày và ban đêm…

Ngoài ra, để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ; hướng dẫn trẻ hình thành những thói quen có lợi cho sức khỏe như: rửa tay trước khi ăn, tập thể dục buổi sáng…

Hồng Vân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.