Multimedia Đọc Báo in

Bệnh tay, chân, miệng: Đã quyết liệt chống dịch ?

16:01, 17/04/2012

Thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng cho thấy, mới chỉ hơn 3 tháng đầu năm 2012, nhưng dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đã được ghi nhận ở tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước với hơn 28.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó 18 ca tử vong và đều là trẻ em. Các trường hợp tử vong đều có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút EV71.

Đáng lo ngại hơn, so với cùng kỳ năm ngoái, số người mắc dịch bệnh nguy hiểm này đã tăng hơn 7 lần. Không chỉ  các tỉnh thành phía Nam luôn là khu vực có số ca mắc và tử vong do TCM ở mức cao, mà năm nay ngay cả nhiều tỉnh thành phía Bắc số người mắc dịch bệnh này cũng ở mức… “ngất ngưởng”, thậm chí Hải Phòng còn là địa phương có tỷ lệ người dân mắc TCM cao nhất cả nước, lên tới 110,8 ca/100.000 dân. Những dấu hiệu trên cho thấy, dịch bệnh TCM ở nước ta đang có những diễn biến vô cùng bất thường và cực kỳ nguy hiểm. Số người mắc và tử vong do dịch bệnh TCM đã tràn lan khắp cả nước và có chiều hướng mất kiểm soát, khiến cho người dân hoang mang, lo lắng, gây bất an trong đời sống xã hội.

Học sinh trường Mầm non Hoa Pơ lang rửa tay với xà phòng phòng bệnh TCM. Ảnh: K.O
Học sinh Trường Mầm non Hoa Pơ lang (TP. Buôn Ma Thuột) rửa tay với xà phòng phòng bệnh TCM. Ảnh: K.O

Thế nhưng, cho tới thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân cụ thể vì sao mới chỉ có 3 tháng đầu năm chưa vào giai đoạn cao điểm của dịch bệnh TCM mà số người mắc và tử vong vì dịch bệnh này đã tăng đột biến. Nếu có chăng chỉ là những lý giải rất chung chung và cũ theo kiểu: người dân vẫn chủ quan, coi thường phòng dịch, dịch bệnh TCM vẫn chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu và lây lan qua tiếp xúc. Đáng nói hơn, dù số ca mắc TCM đã ở mức tăng đột biến, nhưng không ít nhà quản lý y tế vẫn còn cho rằng, tỷ lệ dân số mắc TCM ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia phát triển ở trong khu vực. Trong khi đó, không ít chuyên gia y tế cho rằng, số người mắc ngoài cộng đồng chưa được ghi nhận còn rất lớn, trong khi hệ thống giám sát dịch bệnh ở cộng đồng còn hạn chế. Đau lòng hơn, phân tích các trường hợp tử vong do TCM nói trên cho thấy, có tới 25% tổng số ca tử vong là do chẩn đoán sai, đánh giá mức độ ban đầu của bệnh không chính xác, cùng với đó là không ít vấn đề sai sót, chậm trễ trong quá trình điều trị… Điều này đồng nghĩa với việc điều trị căn bệnh TCM, nhất là ở tuyến tỉnh, huyện đang "có vấn đề", có thể khiến cho không ít bệnh nhi mắc TCM tử vong một cách oan uổng.

Trước thực trạng diễn biến phức tạp của dịch bệnh TCM, Bộ Y tế mới đây đã tiến hành sửa đổi và ban hành phác đồ điều trị mới đối với căn bệnh TCM. Đồng thời, nhiều đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đang tới các “điểm nóng” về dịch bệnh TCM để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Song, những biện pháp mà Bộ Y tế đang triển khai thực hiện để phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh TCM xem ra chưa thực sự quyết liệt và toàn diện. Bởi lẽ, đã có nhiều trường hợp trẻ mắc TCM tử vong do chẩn đoán sai, điều trị chậm trễ không đúng phác đồ, nhưng đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa xử lý kỷ luật, làm rõ trách nhiệm của y bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện nào đã yếu kém, thiếu trách nhiệm để dẫn tới những cái chết oan uổng, hay địa phương nào đã lơ là, chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh TCM. Hơn nữa, cho tới thời điểm này, số người mắc và tử vong do TCM đã tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng các địa phương cũng như Bộ Y tế vẫn chưa chính thức công bố có dịch TCM trên toàn quốc.

K.O (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.