Multimedia Đọc Báo in

Coi chừng biến chứng não từ viêm mũi, tai

15:08, 25/04/2012

Thời tiết giao mùa khiến nhiều người gặp “trục trặc” về tai-mũi-họng và thường chủ quan cho rằng, đây là những bệnh xoàng, không cần thuốc điều trị cũng tự nhiên khỏi. Tuy nhiên, đây lại là những tác nhân chính gây nên nhiều căn bệnh khác, trong đó có viêm tai giữa và viêm mũi xoang, với biến chứng nguy hiểm là viêm màng não.

Viêm tai giữa

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm tai giữa (VTG) nếu bị viêm nhiễm vùng tai và vùng lân cận. Theo bác sĩ Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai-Mũi-Họng TP.Hồ Chí Minh, có gần 30% bệnh nhân bị VTG trong các bệnh viêm đường hô hấp trên đến điều trị. Khi đến bệnh viện trễ, bệnh VTG cấp đã chuyển sang VTG mãn, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây những biến chứng nguy hiểm như méo miệng (do liệt dây thần kinh số 7 vì các mô viêm chứa vi khuẩn), viêm các tĩnh mạch bên (trong vùng xương chũm), giảm thính lực trầm trọng hoặc điếc (do thủng màng nhĩ nặng), viêm màng não, áp xe não… đe dọa đến tính mạng. Để ngăn chặn biến chứng, khi thấy có các dấu hiệu như sốt cao (có những đợt lạnh run như sốt rét), tai chảy mủ hôi, đau nhức trong tai và vùng xung quanh, nhức nửa đầu… thì nên đến ngay bệnh viện điều trị để còn cơ hội phục hồi sớm.

Cấu tạo của tai gồm tai ngoài (vành tai, ống tai ngoài) đến tai giữa (màng nhĩ, các chuỗi xương con) và tai trong ( ốc tai, tiền đình). Khi bị viêm nhiễm vùng tai giữa gọi là VTG (vì tai giữa nằm ở trong xương chũm nên còn được gọi là viêm tai xương chũm). VTG có hai loại: VTG cấp và VTG mãn. Viêm tai giữa cấp, nguyên nhân là do viêm nhiễm vùng mũi họng (phần lớn ở trẻ em) vì giữa tai và mũi họng thông thương với nhau qua vòi nhĩ, ở người lớn do nhiễm trùng vùng mũi xoang hoặc ngoáy tai không hợp vệ sinh, bị trầy xước… làm viêm ống tai ngoài, sau đó lan tới làm VTG. Triệu chứng của VTG gồm đau tai, nghe kém, cảm giác ù tai, sốt nhẹ… Nếu VTG cấp không được điều trị thì ba-bốn ngày sau sẽ bị thủng màng nhĩ, chảy dịch ở tai (ban đầu mủ trong, sau là mủ vàng). Để điều trị VTG cấp, bác sĩ sẽ cho dùng kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc nhỏ tai, đồng thời tiến hành hút mủ và dịch ra. VTG cấp nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách hoặc tái đi tái lại sẽ trở thành VTG mãn nặng nề hơn.

Ảnh minh họa
Khi thấy trẻ chảy mủ tai kèm theo sốt nhẹ, cần đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.  Ảnh minh họa

Viêm tai giữa mãn sẽ có các triệu chứng như chảy mủ tai kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần (khi điều trị uống thuốc thì bớt, hết thuốc bệnh lại tái phát), nghe kém, nhức nửa đầu phía bên tai bệnh, trong những đợt viêm kèm theo sốt nhẹ. Ở trẻ em bị VTG mãn, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, có khi trẻ bị viêm VA, chỉ cần nạo VA thì trẻ sẽ khỏi bệnh. Đặc biệt, ở trẻ em (lứa tuổi nhà trẻ mẫu giáo) do cấu trúc vòi nhĩ ngắn, nằm ngang, dịch mũi dễ chảy ngược vô bị ứ đọng bên trong nên đa số trẻ còn dễ bị VTG thanh dịch, tuy không thấy dịch chảy ra ngoài nhưng làm cho trẻ nghe kém, nghễnh ngãng, giao tiếp khó khăn. Để chẩn đoán được chính xác bệnh, cần phải đến các chuyên khoa tai-mũi-họng nội soi tai, chụp Xquang tai, CT tai và làm các xét nghiệm thính học cần thiết. Tùy theo mức độ bệnh trạng mà thầy thuốc sẽ chỉ định điều trị nội khoa (bằng thuốc) hay tiến hành phẫu thuật để lấy đi những bệnh tích, mô bị viêm nhiễm ở tai giữa, hút dịch phục hồi thính lực…

Theo các chuyên gia y tế, để phòng bệnh VTG, nên giữ vệ sinh kỹ vùng tai, vì đôi khi những chi tiết nhỏ vô tình cũng có thể dẫn đến căn bệnh khá nguy hiểm này. Với trẻ em bị chảy mũi, nên dạy cho bé dùng ngón tay bịt một bên mũi, bên còn lại khịt ra ngoài (để tống chất nhờn ra, không cho lan ra vòi nhĩ rồi lan lên tai giữa), tuyệt đối không nên hít dịch mũi vào vì đó là nguyên nhân dễ dẫn tới VTG thanh dịch. Nếu bé nào bị mũi đặc thì nên dùng nước muối sinh lý để xịt rồi cho thông dịch ra ngoài. Trường hợp các em có dấu hiệu nghe kém, khó nghe thì nên đi khám sớm (có thể bị VTG thanh dịch do dịch mũi bị ứ vào trong). Khi tắm biển, hồ bơi xong, nhớ dùng tăm bông ngoáy nhẹ cho hết nước, bụi bặm. Không nên lấy ráy tai quá thường xuyên (vì ráy tai còn có tác dụng ngăn bụi bặm), khi lấy phải cẩn thận không để trầy xước, tổn thương niêm mạc ống tai ngoài dẫn đến viêm nhiễm từ ngoài lan vào làm VTG. Với người lớn, không nên lấy ráy tai ở tiệm hớt tóc, dụng cụ không hợp vệ sinh dễ bị nấm ống tai ngoài (triệu chứng: nghe tiếng lùng bùng, vảy tai đóng thành khuôn… dễ lây vào trong gây VTG). Khi tắm nước hồ bơi, tắm biển cũng phải vệ sinh cho kỹ lại bằng tăm bông, tốt nhất là nên dùng dụng cụ chụp tai, kể cả khi gội đầu ở tiệm, hoặc nhét bông gòn để nước không vào được.

Viêm mũi xoang

Trong khối xương mặt có những hốc rỗng gọi là xoang (nằm cạnh mũi), khi bị viêm nhiễm gọi là viêm mũi xoang (VMX) hay viêm xoang mũi, viêm xoang cạnh mũi. Có nhiều loại VMX như: VMX dị ứng, VMX do nấm, VMX do vi khuẩn…

Viêm mũi xoang dị ứng bao gồm các triệu chứng như: chảy mũi, ngứa mũi, ngứa mắt, ngứa nóc vọng (vòm mũi họng), nghẹt mũi, hắt xì buổi sáng hay trời lạnh… Nguyên nhân là do dị ứng với môi trường lạnh hay các tác nhân khác như phấn hoa, lông súc vật, ô nhiễm môi trường… Loại VMX này không cần dùng kháng sinh mà chỉ cần dùng thuốc kháng dị ứng (xịt hoặc uống), rời xa các dị nguyên gây ra.

Viêm mũi xoang do vi khuẩn (vi khuẩn từ trong môi trường bị ô nhiễm xâm nhập vào, triệu chứng nặng hơn VMX dị ứng): sổ mũi nhiều, dịch mũi đục, màu xanh, hôi, nghẹt mũi kéo dài… VMX do vi khuẩn phải dùng kháng sinh, kháng viêm, những thuốc xịt tại chỗ, nặng hơn phải phẫu thuật nội soi mũi xoang, nếu không sẽ gây biến chứng làm sưng vùng mắt, ảnh hưởng nhãn cầu (mắt bị phù nề mi trên mi dưới, giảm thị lực, nhìn qua lại không được)…

Viêm mũi xoang do nấm: do tiếp xúc với môi trường có bào tử nấm, triệu chứng giống như VMX do vi khuẩn, trường hợp VMX do nấm bắt buộc phải phẫu thuật nội soi lấy bào tử nấm ra vì dùng thuốc không hiệu quả.

Viêm mũi xoang do răng: những răng cùn hàm trên rất gần với đáy xoang, khi bị sâu răng không điều trị khỏi, vi trùng của sâu răng sẽ ăn lan lên xoang gây ra viêm xoang do răng. Bệnh này có triệu chứng đặc biệt là sổ mũi có mùi hôi như mùi trứng thối, dịch mũi xanh đục kèm theo căng nặng vùng má, nhức đầu. Trường hợp nhẹ, có thể nhổ răng sâu, “bứng” ổ vi khuẩn đi là hết, nếu nặng hơn phải có sự phối hợp của bác sĩ hai chuyên khoa răng hàm mặt và tai mũi họng để phẫu thuật nội soi dẫn lưu xoang, giải phóng lớp mủ đi.

Ảnh: K.O
Nội soi là phương pháp giúp xác định chính xác tình trạng viêm mũi xoang. Ảnh: K.O

VMX là bệnh thường gặp, nó chiếm tỷ lệ khá cao (45%) trong các bệnh về tai mũi họng, nếu điều trị không kịp thời cũng dễ gây ra VMX mãn tính (tái đi tái lại nhiều lần) hoặc biến chứng ổ mắt, VTG, nặng hơn có thể dẫn tới viêm màng não (dù rất ít so với VTG). Bác sĩ CKII Cao Minh Thức, Phó trưởng khoa Chuyên khoa Tai mũi họng - Răng hàm mặt - Mắt, Bệnh viện Nhi Đồng II cho biết, viêm mũi họng nếu điều trị không dứt, tái đi tái lại cũng dễ dẫn đến viêm xoang mũi (VXM) do lỗ thông xoang mũi tắc ở trẻ lớn và cả người lớn. Bởi thế, theo bác sĩ Thức, nếu thấy trẻ sốt, ho, chảy mũi, bỏ ăn… (triệu chứng đôi khi giống cảm cúm thông thường) thì phụ huynh đừng xem thường đó chỉ là bệnh “lặt vặt” mà nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khám và định bệnh. Đặc biệt, không nên tự “làm bác sĩ” mua thuốc uống, nhất là kháng sinh, hoặc dùng lại theo toa thuốc cũ rất dễ làm cho bệnh bị lờn thuốc, càng khó điều trị, đồng thời, càng không nên nút bông gòn lại hay tự ý rắc bất kỳ thuốc bột nào theo “kinh nghiệm truyền miệng” khi thấy tai chảy mủ sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn.

Cũng theo bác sĩ Thức, phòng bệnh “từ xa” vẫn rất cần thiết để tránh căn bệnh nguy hiểm này. Thời tiết lúc giao mùa rất thuận lợi để cho các loại siêu vi (thích môi trường lạnh) và vi  khuẩn (thích môi trường nóng) sinh sôi và tấn công người không đủ sức đề kháng, gây ra các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên, trong đó nhiều nhất là viêm mũi họng. Vì vậy, mọi người nên giữ ấm, nhất là bảo vệ mũi họng cho trẻ, súc miệng, rửa tay trước khi ăn, đeo khẩu trang khi làm các công việc có nhiều bụi khói, ăn uống đầy đủ chất… để phòng bệnh.  Ngoài ra, người bị VXM nên tránh xa các thức ăn hay môi trường bị dị ứng, đặc biệt là không nên lấy tay bẩn ngoáy mũi khi thấy mũi ngứa (trong các đợt sắp bị viêm) sẽ vô tình “tiếp tay” đưa vi trùng vào mũi, càng làm cho bệnh tiến triển nhanh và mạnh hơn. Không hít dịch mũi vào (nhất là trẻ nhỏ), không cố gắng hỉ mũi mạnh khi mũi không thông vì sẽ đẩy chất viêm vào sâu vòi nhĩ và tai, không tự ý ngưng thuốc trong đợt điều trị…

K.O (nguồn PNO)
 


Ý kiến bạn đọc