“Hồi hộp” chờ áp dụng mức viện phí mới
Thông tư liên bộ về điều chỉnh viện phí tăng 3-20 lần đã chính thức có hiệu lực. Nhưng hiện Bộ Y tế mới nhận được đề xuất của 20% bệnh viện do Bộ quản lý. Hầu hết các bệnh viện đều chưa có điều chỉnh vì Sở Y tế đang xây dựng khung giá...
Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định, trên cơ sở mức giá viện phí tối đa của 447 dịch vụ y tế (chiếm khoảng 12% trong tổng số hơn 4.000 dịch vụ) mà liên bộ ban hành, các bệnh viện sẽ phải xây dựng khung giá và đề xuất mức thu dựa trên những tính toán về cấu thành của kỹ thuật sử dụng cũng như phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, các mức thu này đều nằm trong khung giá và không được vượt mức tối đa và chỉ có bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được thu ở mức tối đa của khung giá này. Về quản lý, xét duyệt mức thu, Bộ Y tế sẽ xem xét khung giá do các bệnh viện thuộc quản lý của Bộ Y tế (bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng 1 ở Trung ương); UBND và HĐND tỉnh sẽ xem xét khung giá của bệnh viện hạng 1 địa phương… Chính vì thế, Thông tư 04 tuy có hiệu lực từ 15-4 nhưng việc áp dụng sẽ có nhiều thời điểm khác nhau ở từng địa phương.
Ảnh minh họa |
Nói về quyền lợi của người bệnh khi thực hiện khung giá viện phí mới, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, khi giá viện phí đã hướng tới việc tính đúng tính đủ, gồm cả những cái chi trực tiếp, thậm chí bổ sung thêm một số cơ cấu chi phí mà giá viện phí trước kia chưa đưa vào như: chi phí duy tu bảo dưỡng, xử lý môi trường, chi phí của điện nước… thì việc bệnh viện thu thêm tiền của người bệnh là rất vô lý. Bảo hiểm xã hội kiên quyết thực hiện điều đó để đảm bảo quyền lợi người bệnh. Mục tiêu đặt ra là người bệnh không phải bỏ tiền túi để chi trả những dịch vụ kỹ thuật mà đã được quỹ BHYT trả theo giá viện phí mới.
K.O (nguồn Dân trí)
Ý kiến bạn đọc