Xử trí tại nhà khi bé sốt
Sốt không phải là… ấm ấm, hay ấm người, ấm đầu… vì vậy không được xác định một cách chủ quan theo kiểu lấy tay sờ vào trán hay vào tay của bé. Muốn khẳng định rằng bé sốt, cần phải đo bằng nhiệt kế. Bé sốt là khi nhiệt độ đo được lớn hơn 37,5oC. Có nhiều loại nhiệt kế khác nhau như điện tử, cảm ứng, thủy ngân… được sử dụng ở nhiều vị trí trên cơ thể bé như trán, tai, hậu môn, miệng, nách… Loại nhiệt kế thủy ngân đo ở nách, hậu môn hoặc dưới lưỡi được xem là cho số đo chính xác nhất.
Trên thực tế, sốt là một phản xạ giúp bảo vệ cơ thể. Khi bị vi trùng, siêu vi, chất lạ… xâm nhập, cơ thể bé sẽ có khuynh hướng tăng nhiệt độ lên để kích thích các hoạt động “chống giặc” của hệ miễn dịch, đồng thời làm thay đổi môi trường cơ thể khiến cho hoạt động của “kẻ địch” bị chậm lại, yếu hơn. Dù vậy, nếu bé sốt quá cao, vượt quá khả năng điều chỉnh của cơ thể, có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như co giật, sảng, hôn mê… Do đó, nếu bé sốt nhẹ 37,5 - 38oC, chưa cần phải hạ sốt cho bé ngay, chỉ can thiệp nếu bé sốt trên 38oC, ngoại trừ trường hợp bé đã có tiền căn bị sốt cao co giật trước đó.
Cách hạ sốt hiệu quả và an toàn nhất cho bé là tắm nước ấm chứ không dùng nước lạnh hay nước đá. Nhiệt độ của nước ấm phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể vài độ để vẫn hạ nhiệt nhưng không làm thay đổi nhiệt độ đột ngột trên bề mặt da. Dùng nước ấm khoảng 30 - 35oC, hoặc pha nước ấm như nước tắm, ngâm toàn thân và dùng khăn đắp lên đầu bé. Nếu có máy nước nóng, có thể dùng vòi sen dội liên tục toàn thân cho bé. Cũng có thể dùng khăn thấm nước ấm lau khắp người cho bé và lau nhiều ở vùng nách, bẹn, cổ… Tuy nhiên, cách làm này thường kém hiệu quả hơn, đồng thời da bé có sự thay đổi nhiệt độ liên tục khi thay khăn mới, cũng tạo nên các kích thích không tốt cho quá trình điều hòa sốt trong cơ thể bé. Thời gian tắm ấm ít nhất 15 - 30 phút, sau đó lau khô người cho bé, mặc quần áo và đo nhiệt độ lại.
Cách hạ sốt an toàn nhất là cho bé tắm trong nước ấm từ 15-30 phút. Ảnh minh họa |
Song song với tắm nước ấm, nên cho bé uống thuốc hạ sốt nếu nhiệt độ của bé cao hơn 38,5oC. Loại thuốc hạ nhiệt an toàn có thể sử dụng tại nhà ngay không cần kê toa là Acetaminophen (có tên trên thị trường là Acemol, Afferalgan, Vadol, Panadol…). Loại thuốc này có nhiều hàm lượng khác nhau, cần chú ý chọn loại có hàm lượng phù hợp với cân nặng của bé, cứ mỗi kilôgam cân nặng dùng liều 10mg. Cách dùng thuốc tốt nhất là uống qua đường miệng. Thuốc nhét hậu môn chỉ nên dùng khi bé bị co giật hay không uống được do nôn ói nhiều, vì loại thuốc này hấp thu kém, chậm hạ sốt và mau hết tác dụng hơn thuốc uống. Mỗi lần uống thuốc hạ sốt cách nhau ít nhất bốn giờ.
Sau khi bé đã hạ sốt, cho bé uống thêm nhiều nước (có thể dùng sữa, nước trái cây…) và tiếp tục theo dõi nhiệt độ cũng như các biểu hiện khác của bé (nôn ói, ho, sổ mũi, vết ban hay bóng nước trên da…). Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn nên đưa bé đi khám để xác định chính xác nguyên nhân gây sốt để điều trị tận gốc, nhất là khi bé sốt kèm theo co giật, sốt kéo dài trên ba ngày, sốt tăng dần hoặc ngày càng khó hạ sốt. Đừng xem nhẹ biểu hiện rất thường gặp này, vì các bệnh lý nghiêm trọng nhất ở trẻ em thường cũng bắt đầu bằng dấu hiệu sốt.
K.O (nguồn PNO)
Ý kiến bạn đọc