Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng chống nhiễm vi rút cúm

15:07, 05/12/2012

Cúm là bệnh do vi rút gây ra ở đường hô hấp gồm mũi, họng, phế quản và phổi. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng trẻ nhỏ, người già, người bị bệnh mạn tính và suy giảm miễn dịch đặc biệt dễ mắc. Bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị. Chính vì vậy, việc nâng cao thể trạng và cách phòng lây nhiễm là việc làm hết sức cần thiết, nhất là khi thời tiết chuyển mùa như hiện nay.

Biểu hiện thường gặp của cúm là sau thời gian ủ bệnh ngắn, khoảng một ngày, bệnh khởi phát rất đột ngột: sốt, rét run nhiều lần trong ngày, thân nhiệt tăng lên 39 – 40o ngay ngày đầu, kéo dài 3 - 5 ngày kèm theo mệt mỏi, đau nhức toàn thân, đầu đau như búa bổ, đau các cơ xương khớp, chân tay rã rời, da khô nóng, mặt bừng bừng, mắt chói, chảy nước mắt, sổ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, có khi ho tức ngực, khạc đờm hoặc chảy máu cam, miệng đắng, buồn nôn, táo bón. Sau đó nhiệt độ giảm dần, các triệu chứng toàn thân giảm dần trong 5 - 7 ngày. Một số bệnh nhân cao tuổi hay bị mệt nhược kéo dài, sự bình phục chậm hơn.

Biến chứng chủ yếu của cúm là viêm phổi tiên phát và thứ phát, trong đó viêm phổi tiên phát là nặng nhất. Nhiệt độ không giảm vào ngày thứ 3 - 5 mà tiếp diễn, kèm khó thở, thở gấp, tím tái, khạc đờm có khi lẫn máu nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn rồi tử vong nếu không điều trị. Bệnh cúm còn đánh thức những bệnh tiềm tàng như viêm tai, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu... Đặc biệt, phụ nữ mang thai nhiễm vi rút cúm hay gây biến chứng phổi hoặc sảy thai. Nếu mắc trong 3 tháng đầu có thể gây dị dạng thai, nhất là về hệ thần kinh trung ương.

Hiện nay, bệnh cúm chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị chủ yếu dựa vào hạ sốt, nghỉ ngơi, nâng cao thể trạng. Chính vì thế, việc phòng bệnh là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Ngoài việc tiêm phòng vắc xin cúm theo mùa, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế nguy cơ lây lan - nếu chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc vệ sinh cơ bản và thận trọng trong tiếp xúc. Tránh xa những nơi đông người khi có dịch. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh bị cúm. Nếu chẳng may mắc cúm, nên ở nhà để tránh lây nhiễm cho người khác. Thường xuyên rửa sạch tay vì tay có thể vô tình bị nhiễm mầm bệnh trong quá trình hoạt động trong ngày. Vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa, tránh tiếp xúc trực tiếp khi có người thân nhiễm cúm. Ngoài ra, nên bổ sung vitamin C và các khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể; tập thể dục vừa sức và thường xuyên để có giấc ngủ ngon, góp phần nâng cao thể trạng.

K.O (nguồn SK&ĐS)
 


Ý kiến bạn đọc