Đậu rồng nhiều dinh dưỡng
Đậu rồng còn gọi là đậu khế hay đậu xương rồng, đậu cánh có tên khoa học là Psophocarpus tetragonolobus, thuộc họ đậu (Fabaceae); là loại “dây thảo” leo, sống nhiều năm, có nhiều củ. Lá có 3 lá chét hình tam giác nhọn. Chùm hoa ở nách lá, mang từ 3 – 6 hoa màu trắng hoặc màu xanh nhạt. Quả đậu màu vàng lục, hình 4 cạnh, có bốn cánh với mép răng cưa, Hạt gần giống hình bán cầu thường có màu vàng, trắng, nâu… Rễ có nhiều nốt sần. Người dân trồng đậu rồng làm cảnh, che mát và lấy quả làm rau ăn hằng ngày.
Theo các nhà dinh dưỡng, đậu rồng có rất ít calori nhưng lại nhiều thành phần khác có giá trị dinh dưỡng cao như protein, glucid, chất béo, chất xơ, sắt, can xi, kali, natri, ma-giê, phospho, vitamin A, C, B5, B2, B1, E, đồng và mangan. Kết quả phân tích của các nhà dinh dưỡng cho thấy: trong hạt đậu rồng có chứa tới 30-37% protit, 28-31% gluxit; trong quả non có từ 1,9-2,9% protit, 3,1-3,9% gluxit; thành phần acid amin trong đậu rồng có nhiều lysin, methionin, cystin...
Do trong đậu rồng có hàm lượng chất xơ cao và lipid thấp, giúp cải thiện chức năng đại tràng, chống táo bón, làm giảm cholesterol trong máu, phòng chống béo phì, ngừa bệnh đái tháo đường. Đậu rồng dồi dào chất khoáng và vitamin, làm đẹp da, sáng mắt, giúp tăng sức đề kháng, chống lão hóa, ung thư, bệnh tim mạch, sắt giúp phòng chống thiếu máu, canxi (hàm lượng cao nhất trong các loại đậu) có tác dụng ngăn ngừa bệnh loãng xương, giúp trẻ em hình thành bộ xương và răng chắc khỏe. Đậu rồng được coi là nguồn protein quan trọng có thể thay thế protein động vật, đặc biệt tốt cho người già, người ăn chay và có vai trò chống suy dinh dưỡng.
Đậu rồng là loại đậu ăn ngon, bổ được chế biến các món như ăn sống, luộc, nấu canh, xào với các loại thịt, tôm và có thể chế biến thành các món như gỏi, salad, cà ri... hoặc chế thành món dưa chua để dành dùng lâu ngày. Ngoài ra, lá non và nụ hoa có thể dùng làm rau ăn dưới dạng các món xào, nấu canh, luộc rất ngon và bổ. Hạt được sử dụng như đậu nành, làm nguyên liệu chế biến bột dinh dưỡng cho người già, điều trị bệnh suy dinh dưỡng cho trẻ em. Đậu rồng còn tươi chấm với mắm tôm chà là món ăn khoái khẩu của người dân Nam Bộ bởi vì đậu rồng rất giòn và ngon khi còn tươi hoặc luộc sơ rồi ăn, nếu đun chín quá sẽ mềm và bớt ngon.
Tuy đậu rồng có nhiều dinh dưỡng, nhưng có chứa purin nên không thích hợp với những người bị gout (thống phong) và không nên ăn nhiều đậu rồng sống vì không có lợi cho sức khỏe.
DS. Mỹ Nữ
Ý kiến bạn đọc